Mỹ ‘lo lắng’ về thỏa thuận giữa Nga và Ấn Độ về S-400
RIA dẫn lời Ngoại trưởng Antony Blinken cho hay, Mỹ bày tỏ quan ngại về thỏa thuận giữa Nga và Ấn Độ trong việc cung cấp hệ thống phòng không S-400.
“Mỹ có luật của riêng mình. Chúng tôi đang thực thi luật pháp của mình, nhưng chúng tôi đã chia sẻ với Ấn Độ những lo ngại về điều này”, ông Blinken nói.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ lưu ý rằng, nước này sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến trong những tháng tới.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. (Ảnh: RIA) |
Trước đó, giới chức Mỹ nhiều lần “nhắc nhở” Ấn Độ từ bỏ mua S-400 của Nga. Vào tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hối thúc các nhà lãnh đạo Ấn Độ tránh mua các thiết bị quốc phòng của Nga, bao gồm cả S-400, nếu nước này muốn tránh nguy cơ bị trừng phạt theo Mục 231 của Đạo luật trừng phạt đối thủ của Mỹ (CAATSA).
Năm ngoái, Mỹ từng áp lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ vì S-400. Ấn Độ đã trả cho Nga 800 triệu USD để mua S-400 vào năm 2019.
Ấn Độ ký với Nga hợp đồng đặt mua 5 tiểu đoàn tên lửa S-400 hồi tháng 10/2018, trị giá hơn 5 tỉ USD. Đây được xem là một trong những hợp đồng thương mại quân sự lớn nhất mà Nga ký với nước ngoài. Hợp đồng sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm 2025.
Theo Đại sứ Nga tại New Delhi, ông Nikolay Kudashev, việc chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Ấn Độ sẽ không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Ông Kudashev cho biết, không có bất kỳ thay đổi nào trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán S-400 giữa Nga và Ấn Độ. Chính quyền New Delhi khẳng định cam kết tiếp tục theo đuổi thỏa thuận đã ký kết và Nga sẽ chuyển giao lô S-400 đầu tiên cho Ấn Độ trước cuối năm nay.
Đại sứ Ấn Độ tại Nga Bala Venkatesh Varma cũng khẳng định đại dịch lây lan toàn cầu không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện hợp đồng. Có sự chậm trễ nhỏ trong một vài khâu, nhưng không đáng kể và thỏa thuận về cơ bản diễn ra theo đúng kế hoạch.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-400 do Nga sản xuất bao gồm tên lửa đất đối không tầm xa với các tầm bắn khác nhau từ 40 km đến 400 km. S-400 có khả năng đánh chặn tên lửa cũng như máy bay.
Một tổ hợp S-400 thường có 8 bệ phóng di động (4 ống phóng/bệ) với 32 tên lửa và một trạm chỉ huy, đi kèm xe radar đa năng, radar đo độ cao cùng xe điều khiển. Radar của S-400 có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 600 km. Hệ thống này được Nga đưa vào sử dụng từ tháng 8/2007.
Tai nạn khó đỡ khi ‘tia chớp’ F-35B của Mỹ bị tia chớp thật ‘hạ gục’
Mới đây hai máy bay chiến đấu F-35B lightning II của Mỹ bố trí tại Nhật Bản đã bị “tai nạn khó đỡ” khi bị hư hỏng nặng bởi sấm sét.
Thanh Bình (lược dịch)