71 năm ngày ra đời Bộ Thông tin, Tuyên truyền

Mặc dù chỉ tồn tại hơn 3 tháng, tuy nhiên vai trò và sứ mệnh lịch sử của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được các nhà sử học đánh giá có ý nghĩa to lớn trong việc định hình và xác lập tính chính danh của chính quyền cách mạng.

Cách đây 71 năm, Bộ Thông tin, Tuyên truyền là một trong 13 Bộ đầu tiên ra đời, đánh dấu sự hình thành chính quyền non trẻ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (ngày 19/8 giành chính quyền thắng lợi tại Hà Nội) và ra mắt quốc dân, đồng bào vào đúng Ngày Quốc khánh 2/9/1945. Một Chính phủ non trẻ nhưng đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son trên con đường xây dựng chính quyền nhân dân của một đất nước độc lập thống nhất.

71 năm ngày ra đời Bộ Thông tin, Tuyên truyền - ảnh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời sáng ngày 2/9/1945 tại Hà Nội (Ảnh: TTXVN).

Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo các nhà sử học, bất cứ cuộc cách mạng nào, việc giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó gấp vạn lần. Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công ở Hà Nội (ngày 19/8), Huế (23/8) và Sài Gòn (25/8), một Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập ngay trong ngày 28/8/1945 (lấy ngày đăng công báo danh sách các thành viên Chính phủ-PV) gồm 15 thành viên, với 13 Bộ và 2 Ủy viên (hay còn gọi là Bộ trưởng không bộ-PV). Có thể nói, việc thành lập, kiện toàn và nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức của Chính phủ cho kịp ra mắt quốc dân đồng bào đúng ngày Độc lập 2/9, có phiên họp đầu tiên vào sáng 3/9 đã thể hiện nhãn quan chính trị và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo cố PGS Nguyễn Hải Kế, nguyên Trưởng khoa Lịch sử (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn- ĐH Quốc gia Hà Nội) từng phân tích: “Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuy chỉ tồn tại hơn 3 tháng, trước khi được thay thế bởi Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ra mắt ngày 1/1/1946), tuy nhiên vai trò và sứ mệnh lịch sử lại vô cùng quan trọng khi tập hợp được các đảng phái, giai tầng và đội ngũ các nhà khoa học, trí sĩ yêu nước tham gia vào bộ máy chính quyền cách mạng. Ngay cả cựu hoàng Bảo Đại và Giám mục Lê Hữu Từ cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Cố vấn Tối cao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Như vậy, tính kịp thời và đúng đắn khi Hồ Chủ tịch cho ra mắt được một chính phủ hội đủ các đảng phái, giai tầng và được nhân dân bảo vệ khi ấy được các học giả, nhà sử học đánh giá rất cao.

Về tính chính danh, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Việt Minh lập ra trên cơ sở cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam được Đại hội Quốc dân ngày 16 và 17/8/1945 tại Tân Trào bầu ra. Đây có thể coi là bước diễn tiến đúng kế hoạch, sau khi Việt Minh cùng nhân dân đứng lên giành chính quyền thắng lợi trong cả nước. Ngay ngày 3/9/1945, ngoài phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, Chính phủ mới đã ban hành Sắc lệnh thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính địa phương các cấp trước khi quân Pháp tái trở lại xâm lược Việt Nam.

Tính thời điểm của Chính phủ cách mạng lâm thời

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay sau ngày độc lập, nước ta phải đối mặt với cả 3 thứ giặc: Giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm. Do vậy, trong cuộc họp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời (3/9/1945), 15 thành viên chính phủ đã thống nhất các phương pháp của Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh đưa ra để giải quyết các vấn đề cấp bách đất nước khi ấy gồm: Phát động tăng gia sản xuất, mở các cuộc lạc quyên để chống nạn đói; Mở phong trào chống nạn mù chữ; Tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân (được thực hiện ngày 6/1/1946); Mở phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, bài trừ các tệ nạn do chế độ thực dân để lại; Xóa bỏ các thứ thuế vô lý, trước mắt là thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyệt đối cấm hút và buôn bán thuốc phiện; Tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết…

Cụ thể, ngay ngày 3/9/1945 Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức lễ phát động phong trào cứu đói tại Nhà hát lớn Hà Nội; thành lập ủy ban vào Nam bộ tổ chức vận chuyển gạo ra Bắc, kêu gọi các hội buôn và người dân tham gia vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc cứu đói. Tuy nhiên, chỉ 30.000 tấn gạo được chuyển ra trước khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ tại Nam Bộ (ngày 23/9/1945, Pháp quay lại Nam Kỳ-PV). Cũng trong 3 tháng cuối năm 1945, Chính phủ vận động nhân dân sửa chữa, đắp mới xong 100% hệ thống đê điều tại miền Bắc (đê vỡ gây mất mùa là một trong các nguyên nhân gây ra nạn đói khủng khiếp năm Ất Đậu 1945-PV); vận động tư nhân cho mượn đất để tăng gia sản xuất… Kết quả, chỉ trong 5 tháng từ tháng 11/1945 đến tháng 5/1946 đã có 614.000 tấn lương thực được sản xuất, đủ bù đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Theo PGS Nguyễn Hải Kế: “Chính việc giải quyết được nạn đói cuối năm 1945 đã khiến tuyệt đại đa số dân chúng tin và đi theo Việt Minh”.

Một thành tựu khác của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ là xóa mù chữ. Nếu năm 1945, 95% dân số Việt Nam mù chữ thì đến tháng 9/1946, nhờ phong trào Bình dân học vụ (tổ chức được 75.000 lớp học với trên 95.000 giáo viên), 2,5 triệu người dân đã biết đọc, biết viết. Đặc biệt, giống bất kì chính phủ mới nào, Chính phủ lâm thời khi ấy tiếp quản lại từ chính quyền cũ một ngân khố trống rỗng. Để giải quyết vấn đề tài chính trước mắt trong bối cảnh xóa hết các thứ thuế cho nhân dân, ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành Sắc lệnh số 4 lập “Quỹ độc lập” và phát động “Tuần lễ Vàng” từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945 nhằm quyên góp tiền bạc cho ngân khố. Chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã huy động được 20 triệu đồng và 370 kg vàng. Có thể thấy, bằng sự khéo léo và được nhân dân tin tưởng, Chính phủ lâm thời đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền đất nước qua giai đoạn “Ngàn cân treo sợi tóc”, giải quyết cùng lúc 2 thứ giặc nội xâm là giặc đói và giặc dốt; cùng toàn dân chung sức, dốc toàn lực cho mặt trận chống giặc ngoại xâm.

Bộ Thông tin, Tuyên truyền: 1 trong 13 Bộ đầu tiên

Về thành phần, khi ra mắt, danh sách 15 thành viên Chính phủ lâm thời có 8 đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương (tên khác của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kì này-PV) gồm: Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chu Văn Tấn; Bộ trưởng Bộ Thông tin, Tuyên truyền Trần Huy Liệu; Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch; Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiền; Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng và ông Cù Huy Cận, Ủy viên Chính phủ. 2 đảng viên Đảng Dân chủ là: Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền; Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe và 5 thành viên không đảng phái gồm: Bộ trưởng Bộ kinh tế quốc gia Nguyễn Mạnh Hà; Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Đào Trọng Kim; Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh và Ủy viên Chính phủ Nguyễn Văn Xuân.

Tuy nhiên, trước diễn biến của tình hình trong nước, ngày 27/9/1945, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bàn bạc và nhất trí cải cách chính phủ để mời các thành phần khác (không phải Việt Minh – đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương) tham gia chính phủ liên hiệp. Lí do, việc mở rộng thành viên Chính phủ, đưa thêm các thành phần bên ngoài vào sau khi có sự thương lượng giữa Việt Minh với Việt Quốc và Việt Cách (hai đảng chống phá Việt Minh khi ấy-PV). Do vậy, Chính phủ Cách mạng lâm thời tồn tại đến hết năm 1945 và sau đó được thay thế bằng Chính phủ Liên hiệp Lâm thời chính thức được lập ra ngày 1/1/1946.

Trong 13 Bộ ngành đầu tiên, Bộ Thông tin, Tuyên truyền do ông Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng. Trải qua 71 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều tên gọi khác nhau, ngày nay Bộ Bộ Thông tin, Tuyên truyền chính là Bộ Thông tin & Truyền thông, một trong 22 Bộ và cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ khóa XIV (tính theo nhiệm kì Quốc hội đương nhiệm-PV).

Đến nay, Chính phủ đã qua 18 nhiệm kì chính thức (không tính Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tồn tại từ năm 1969-1976 tại miền Nam-PV), số thành viên Chính phủ, số Bộ ngành đã tăng lên nhưng nhìn về Chính phủ đầu tiên ra đời năm 1945, các nhà sử học đều thống nhất: Đây là nhiệm kì Chính phủ khó khăn và thành công nhất từ trước đến nay! Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập ngay trong ngày 28/8/1945 (lấy ngày đăng công báo danh sách các thành viên Chính phủ-PV) gồm 15 thành viên, với 13 Bộ và 2 Ủy viên.


NP

Nhiều tư liệu quý hiếm khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam

Bộ sách gồm 6 cuốn với nhiều tư liệu quý khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam vừa được Nhà xuất bản TT&TT giới thiệu nhân dịp kỷ niệm 35 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2023).

Điều khoản 'cấm' tiết lộ với người đòi tiền 'gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm'

Trong khi nhiều khách hàng gửi tiết kiệm ngân hàng bị biến thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ Manulife vẫn chật vật đi đòi tiền, có một số người đã được trả lại tiền nhưng buộc phải ký cam kết không được tiết lộ với bên thứ ba.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam ra mắt 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO

Ngày 8/1, Học viện Nông nghiệp Việt Nam ra mắt 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025:2017 với hàng trăm chỉ tiêu phân tích đạt chứng nhận Vilas.

Chạy bộ tiếp sức xuyên Việt gây quỹ phẫu thuật nụ cười trẻ em

Một nhóm các VĐV chạy bộ phong trào gồm 10 người đang thực hiện chạy bộ xuyên Việt từ cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) đến mũi Cà Mau với mục đích gây quỹ phẫu thuật nụ cười, đồng hành cùng Tổ chức Phẫu thuật nụ cười (Operation Smile).

Ba bài học kinh nghiệm rút ra trong thực tiễn điều hành năm 2022 của NHNN

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra hôm 03/01/2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm rút ra trong thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ năm 2022.

Chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định quan điểm điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Hỗ trợ 28 địa phương khắc phục hậu quả thiên tai

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1661/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022.

Cậu sinh viên có duyên với những tủ sách thiện nguyện

Những ngày đầu một mình đạp xe đi gom sách ủng hộ, Thái Hải Đăng, cậu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chẳng dám nghĩ hành trình “Sách đến tay em” lại có thể kéo dài và được nhiều người ủng hộ như bây giờ.

Năm 2022, đội tàu cá ở Đà Nẵng khai thác đạt trên 33.000 tấn tổng sản lượng

Năm nay do ảnh hưởng của thời tiết trên biển phức tạp, chi phí chuyến biển tăng cao…nhưng sản lượng khai thác thuỷ sản của Đà Nẵng vẫn đạt trên 33.000 tấn.

Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu từ ngày 1/1/2023

Từ 1/1/2023, thuế bảo vệ môi trường với xăng là 2.000 đồng một lít, các mặt hàng dầu (trừ dầu hoả) và mỡ nhờn là 1.000 đồng, theo Nghị quyết vừa được thông qua.

Đang cập nhật dữ liệu !