7 lưu ý cho cha mẹ để nuôi dạy nên những đứa con thành công
Có lẽ chúng ta ai cũng muốn con mình lớn lên có một sự nghiệp thành công, thế nhưng, liệu các bậc cha mẹ có đang dạy con đúng cách?
Có lẽ tất cả chúng ta đều muốn con cái mình được khỏe mạnh, học hành giỏi giang và lớn lên có một sự nghiệp thành công. Dù định nghĩa "thành công" của mỗi người có thể khác nhau, song tựu chung lại, nó đều hướng tới những kết quả tích cực trong công việc, bảo đảm cho con mình có một cuộc sống sung túc.
Tất nhiên, mức độ thành công của mỗi người trong xã hội sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều cho thấy với những cá nhân thành công thì thời ấu thơ của họ đều có một số điểm chung.
Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học đã rút ra kết luận rằng có 7 lưu ý mà cha mẹ có thể làm để tạo ra những môi trường thuận lợi cho con mình phát triển và bảo đảm có được thành công trong cuộc sống sau này.
Có thể danh sách này chưa phản ánh được đầy đủ tất cả các yếu tố và không khẳng định sẽ giúp con bạn thành công 100%, tuy nhiên nó cũng đáng để các bậc phụ huynh tham khảo và trở thành những phiên bản tốt hơn trong việc nuôi dạy con cái.
1. Cha mẹ ấm áp, ân cần và chấp nhận con cái
Vào năm 1938, Trường Đại học Harvard của Mỹ đã thực hiện 1 nghiên cứu đặc biệt chưa từng có (với tên gọi là Harvard Grant Study) để tìm ra bí quyết nuôi dạy nên những con người thành công. Nghiên cứu này được thực hiện trong 70 năm với đối tượng nghiên cứu là 268 nam sinh của chính ĐH Harvard, bao gồm cả John F. Kennedy - người sau đó đã trở thành Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Tình trạng sức khỏe thể chất và cảm xúc cũng như sự thành công hay thất bại của họ đều được ghi lại và phân tích một cách tỉ mỉ.
(Ảnh minh họa)
Theo đó, các nhà khoa học đã rút ra một kết luận rằng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái chính là bí quyết cho một cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc và thành công của đứa trẻ sau này. Có một tuổi thơ được yêu thương, chấp nhận và thấu hiểu sẽ là một trong những chỉ số quan trọng quyết định đến sự hài lòng, thỏa mãn và thành công của bất kỳ một cá nhân nào.
Thực ra, kết quả của cuộc nghiên cứu này không quá gây ngạc nhiên.
Vào những năm 50 của thế kỷ trước, Bowlby & Ainsworth đã sáng tạo ra Lý thuyết của sự gắn bó (Attachment Theory), trong đó chỉ ra rằng một đứa trẻ nhận được sự chăm sóc ân cần và tình cảm ấm áp thì sẽ phát triển sự gắn bó với người nuôi dưỡng mình, có khả năng phát triển tích cực và đạt những kết quả khả quan hơn khi lớn lên.
Ngoài ra, não người phụ thuộc rất nhiều vào trải nghiệm. Cấu trúc não được hình thành bởi những sự tương tác và trải nghiệm trong cuộc sống. Một trải nghiệm ấm áp với những bậc cha mẹ ân cần sẽ tạo ra một nền tảng cho sức khỏe tinh thần của đứa trẻ trong tương lai. Những ký ức về thời thơ ấu hạnh phúc sẽ là nguồn cội sức mạnh theo các em đến suốt cuộc đời.
Do đó, cách tốt nhất để nuôi dạy nên những đứa trẻ thành công chính là trở thành một bậc phụ huynh ấm áp, ân cần và chấp nhận con mình như chúng vốn có và duy trì mối quan hệ thân thiết, gần gũi giữa cha mẹ và con cái.
2. Biết quản lý cảm xúc và dạy con quản lý cảm xúc
Việc chúng ta có thể tự kiểm soát cảm xúc của mình đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
Thế nhưng, kiểm soát cảm xúc lại không phải là điều ta sinh ra đã có, mà phải qua học hỏi, tập luyện mới có được. Chính vì thế, cha mẹ nên dạy cho con họ cách quản lý cảm xúc hiệu quả.
(Ảnh minh họa)
Cũng nên lưu ý rằng, việc dạy con kiểm soát cảm xúc không đơn giản như dạy con chơi game hay tập thể dục. Trẻ em học được rất nhiều thông qua việc quan sát cách bố mẹ phản ứng và cư xử với người khác.
Nếu thường xuyên la hét, tức giận khi con mình phạm lỗi thì chúng ta không thể trông đợi con mình sẽ biết cách giữ bình tĩnh khi gặp vấn đề gì đó.
Vì vậy, cha mẹ hãy bắt đầu ngay từ việc quản lý cảm xúc của bản thân trước khi dạy con biết cách kiểm soát cảm xúc của chúng.
3. Hãy để con tập làm quen với việc đưa ra quyết định
Nếu trẻ không bao giờ được tự quyết định một điều gì, chúng sẽ không có động lực để cố gắng, và do đó, cũng sẽ không thể có được thành công.
Là bố mẹ, chúng ta đều muốn bảo vệ con, nhưng việc kiểm soát thái quá có thể ngăn cản sự phát triển của một đứa trẻ. Muốn ra được quyết định đúng đắn thì cũng cần trải qua quá trình được luyện tập, và tất nhiên là không thể thiếu trải nghiệm.
Do đó, hãy dạy con bạn đưa ra quyết định cho các vấn đề nhỏ không liên quan đến sự an toàn hay các vấn đề sức khỏe để con học được cách lựa chọn. Thay vì ép con làm theo lời khuyên của mình, hãy hướng dẫn con tự đưa ra lựa chọn của chúng.
Nếu con chọn sai, hãy để con tự chịu trách nhiệm với những hậu quả mà chúng gây ra, vì trải nghiệm sẽ là cách giúp con bạn rút ra bài học một cách hiệu quả nhất.
4. Thách thức con vừa đủ
Nếu được tạo động lực, trẻ sẽ cố gắng đạt đến mục tiêu mà chúng đề ra. Do đó, cha mẹ cần biết cách tạo động lực cho con và đây không phải việc đơn giản.
Nếu một nhiệm vụ quá dễ, nó sẽ khiến trẻ thấy nhàm chán và kém hấp dẫn. Nhưng nếu nhiệm vụ quá khó khăn, chúng cũng sẽ không muốn thực hiện vì biết dù có nỗ lực cũng không thể đạt được. Do đó, cha mẹ cần phải thật sự hiểu con, biết được điểm yếu, điểm mạnh, khả năng của con mình tới đâu để điều chỉnh những nhiệm vụ, mục tiêu này sao cho phù hợp nhất.
5. Không dùng phần thưởng và hình phạt, hãy tạo động lực qua giá trị
Không phải mọi động lực mà bố mẹ tạo ra đều giống nhau. Việc đưa ra các phần thưởng hoặc hình phạt cho con có thể có tác dụng tạm thời, nhưng lại không phải giải pháp tốt về lâu dài.
Chúng ta có thể ép con làm bài tập về nhà bằng cách dùng phần thưởng hoặc hình phạt với con. Nhưng nếu chúng không thích học hoặc không thích ngôi trường của chúng thì cuối cùng, hoặc chúng sẽ bỏ học, hoặc sẽ có kết quả học tập rất tệ.
(Ảnh minh họa)
Để giúp trẻ có được động lực một cách thực chất, hãy chia sẻ những giá trị của việc học, hay tại sao việc học lại quan trọng. Việc tới trường và học tập không phải chỉ để đạt điểm số cao, mà nó còn là để nắm bắt kiến thức và trưởng thành.
Chỉ khi con bạn yêu thích việc học thì chúng mới tìm thấy động lực thực chất để thành công. Vì thế, hãy làm sao để tạo động lực cho con học tập và yêu thích việc học.
6. Tốt bụng, kiên quyết và tôn trọng kỷ luật
Tốt bụng và kiên quyết là hai trong số những đặc điểm của những ông bố, bà mẹ có ảnh hưởng lớn đến thành công của con. Những đứa trẻ có bố mẹ kiểu này có xu hướng học giỏi hơn ở trường, ít có khả năng bỏ học và có kỹ năng đối mặt với giải quyết các vấn đề tốt hơn.
(Ảnh minh họa)
Nhiều bậc phụ huynh nghiêm khắc sẽ sợ rằng sự tốt bụng của bố mẹ sẽ khiến trẻ "làm loạn". Thế nhưng, tốt bụng ở đây không có nghĩa là họ cho con "muốn làm gì thì làm".
Có 2 trường phái khác nhau. Nếu bạn tốt bụng nhưng lại nhu nhược, bạn sẽ không thể thiết lập các quy tắc trong gia đình. Nhưng nếu bạn vừa tốt bụng lại vừa kiên quyết, bạn vẫn có thể khiến con tôn trọng các giới hạn mình đã đặt ra.
7. Lắng nghe khoa học
"Bế con nhiều sẽ khiến con hư", hoặc "Thương cho roi cho vọt" là 2 trong số những quan niệm chăm sóc và nuôi dạy con vẫn xuất hiện ở khắp mọi nơi. Khoa học chỉ ra rằng việc làm theo những lời đồn thiếu căn cứ như thế này sẽ khiến cho việc nuôi và dạy con trở nên khó khăn hơn, thậm chí dẫn tới kết cục tai hại.
Dạy con là cả một nghệ thuật, mỗi người có thể làm theo cách riêng của mình vì mỗi đứa trẻ lại một khác, nhưng bạn hãy biết chọn lọc các thông tin khoa học, tránh xa những thông tin một chiều, những thành kiến hoặc quan điểm cá nhân cực đoan.
Theo Trí thức Trẻ