6 người tử vong vì sốt xuất huyết: Giai đoạn nào của bệnh nguy hiểm nhất
Năm nay số ca mắc sốt xuất huyết so với cùng kỳ không tăng nhưng số ca bệnh nặng và tử vong lại tăng cao hơn.
Gia tăng người tử vong
Theo đó, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong đó có 6 trường hợp tử vong tại Bình Dương (3), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1). So với cùng kỳ năm 2021 số mắc giảm nhẹ, tuy nhiên số tử vong tăng 1 trường hợp.
Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới số mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch, để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, tính đến giữa tháng 4, TPHCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Năm 2019, sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021.
Tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TP cho thấy, trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết đang gia tăng; đặc biệt, các trường hợp nặng bị tổn thương đa cơ quan như gan thận và phải thở máy, lọc máu. Hiện nay, nhóm tuổi bị mắc nặng hay gặp là từ 8 -13 tuổi.
BS CKI. Lê Thị Thúy Hằng – BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết sốt xuất huyết khá phổ biến ở các quốc gia nhiệt đới, là một bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn (Aedes aegypti) mang virus Dengue gây ra.
Ảnh minh hoạ. |
Sốt xuất huyết với những triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết khá tương đồng với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, đặc biệt giai đoạn khởi phát của bệnh có khi giống với Covid-19 nên dễ bỏ sót. Do đó, người bệnh cần chú ý đặc điểm nhận biết bệnh sốt xuất huyết là sốt cao liên tục 2 - 7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì)…
Sốt xuất huyết thường diễn tiến theo từng giai đoạn và triệu chứng cụ thể:
- Giai đoạn ủ bệnh: Thời kỳ này sẽ kéo dài trung bình từ 3 – 7 ngày. Virus Dengue tùy theo từng cơ địa và khả năng miễn dịch của từng người mà nhân lên dần dần, đến khi đủ số lượng sẽ gây ra nhiều triệu chứng cụ thể.
- Giai đoạn sốt Dengue: Giai đoạn này kéo dài từ khoảng 2 – 7 ngày và bắt đầu triệu chứng sốt kèm nhức đầu, đau họng, buồn nôn, người mệt mỏi và đặc điểm của sốt xuất huyết là sốt cao (từ 39 đến 40 độ C).
- Giai đoạn nguy hiểm: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất nhưng người bệnh thường chủ quan do tình trạng sốt đã giảm đáng kể. Ở thời kỳ này, virus Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu đi rất nhiều. Vì thế mà bạch cầu, tiểu cầu giảm đáng kể, ảnh hưởng đến khả năng đề kháng của người bệnh. Lúc này, các triệu chứng xuất huyết bắt đầu xuất hiện rõ rệt như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam,… Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa… vô cùng nguy hiểm.
- Giai đoạn phục hồi: là giai đoạn mà cơ thể của người bệnh dần hồi phục. Khi đó, tiểu cầu tăng dần, nhịp tim và huyết động ổn định, đi tiểu nhiều, có cảm giác thèm ăn và khát nước.
Một số lưu ý phải nhớ khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết
Theo BS Hằng khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường xuyên đo nhiệt độ để phòng khi sốt cao hoặc có bất thường về thân nhiệt. Khi sốt, người bệnh thường xuyên mệt mỏi, dễ mất nước, đối với trẻ em cần bổ sung 1,5 lít nước trong ngày, với người lớn thì khoảng 2 lít, có thể uống nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh) hoặc nước cháo loãng với muối. Nên dùng khăn ấm lau mát cơ thể, đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt. Mặc quần áo thoáng mát và mỏng, tốt nhất là được may từ vải cotton. Nếu sốt trên 38.5 uống hạ sốt theo chỉ định của Bác sĩ cách nhau 4 đến 6 tiếng 1 lần.
Lưu ý, bệnh nhân không uống nước ngọt màu đỏ sẽ gây nhầm lẫn với hiện tượng chảy máu dạ dày nếu bị nôn.
Nên ăn những loại thức ăn dạng lỏng như cháo, súp hoặc cơm nát. Đồng thời tránh những loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, gây khó tiêu, đầy bụng.
Trong trường hợp người bệnh có hiện tượng vật vã, lừ đừ, li bì hoặc buồn nôn, đau bụng dữ dội, xuất huyết, tay chân lạnh, khó thở, tiểu ít thì cần đi khám càng sớm càng tốt.
Khi bị bệnh, người bệnh nên tắm rửa bình thường. Tuy nhiên, thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, mặc dù sốt có thể sẽ giảm nhưng có tình trạng xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau do hạ tiểu cầu nhiều nên cần tránh kỳ cọ mạnh sẽ gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ.
Nên tắm bằng nước ấm vì dùng nước lạnh để tắm gội vì sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra, dẫn đến nguy cơ tử vong.
Khánh Chi