50% xã đảo chưa có bác sĩ
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020" diễn ra sáng nay.
Tại buổi Hội nghị Bộ trưởng cho biết: Đề án này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự công bằng, trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ ngành y tế, lực lượng quân đội và các bộ ngành kinh tế trong việc cống hiến với Tổ quốc.
Theo số liệu điều tra năm 2012 của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), có 31,1% các trung tâm y tế thuộc các huyện đảo chưa có cơ sở riêng; 33,5% trạm y tế cần xây mới; trên 50% trạm y tế xã đảo không có bác sĩ; 80% tổng số hộ gia đình khu vực biển, đảo cần khám, chữa bệnh. Trong khi đó, hệ thống y tế nhân dân vùng biển đảo hiện tại vừa thiếu vừa chưa đủ năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ quân và dân trên biển, đảo phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Y tế hiện tại chủ yếu do lực lượng Quân y đảm nhiệm, các tuyến còn lại do lực lượng dân y kết hợp với quân y. Tuy nhiên, lực lượng mỏng, chưa có các đội cơ động cấp cứu vận chuyển chuyên nghiệp, trang thiết bị và thuốc thiết yếu còn hạn chế.
Tập trung đầu tư phát triển y tế biển đảo giúp người dân yên tâm bám biển, đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tạo sự bền vững cho việc phát triển kinh tế biển. |
Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 7-2-2013. Đề án được đầu tư 8 nghìn 200 tỷ đồng, triển khai theo 2 giai đoạn: từ năm 2013-2015 và từ 2015 đến 2020, với mục tiêu đảm bảo cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.
Tại buổi Hội thảo,Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng cho biết: Thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai một số nội dung thực hiện đề án này. Theo đó, Bộ sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nội dung đề án theo phân công của Chính phủ và phân công cho từng đơn vị theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ Quốc phòng cũng đề nghị Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư ngân sách theo từng dự án với nội dung và tiến độ thực hiện của đề án, có chính sách đặc thù ưu đãi với lực lượng quân y, dân y và nhân dân sinh sống làm ăn trên biển, đảo.
Theo đó, phấn đấu mục tiêu đến năm 2020, sẽ phát triển nguồn nhân lực có đủ năng lực cấp cứu, khám, chữa bệnh cho 70% các bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo và các bệnh viện ven biển; 100% các xã đảo độc lập trên biển có trạm y tế xã, trong đó 50% đạt tiêu chí chuẩn phù hợp vùng biển, đảo; đầu tư 4 trung tâm cứu hộ đủ khả năng phối hợp, cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển…
Đề án có triển khai hiệu quả hay không phụ thuộc vào chính UBND các tỉnh thành thuộc Đề án. Lãnh đạo Sở Y tế các địa phương phải đi thăm tất cả các cơ sở y tế của địa phương mình để có thực tiễn thực hiện đề án tại địa phương, đồng thời theo khung đề án, cần phối hợp với quốc phòng dựa vào chương trình quân dân y kết hợp để thành lập Ban chỉ đạo về y tế biển đảo của địa phương, Bộ trưởng chỉ đạo.