5 năm xây dựng nông thôn mới 2010-2015: Tuyên truyền, vận động rộng rãi
Ảnh minh họa: Báo Gia Lai |
5 năm qua, ở tất cả các cấp, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân được chú trọng, nhất là về mục đích, ý nghĩa, phương châm, các nội dung và cơ chế chính sách của Chương trình.
Nhiều đài, báo Trung ương và địa phương đã thường xuyên đăng tải các tin, bài, tăng thời lượng, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các cách làm hay, mô hình hiệu quả, các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.
Một số địa phương đã phát động các cuộc thi viết về đề tài xây dựng nông thôn mới; biên soạn và phát hành sổ tay, tờ rơi, tài liệu “Hỏi - Đáp” và các bộ ảnh tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; lồng ghép công tác tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt Đảng, đoàn thể, học tập Nghị quyết, các Hội nghị, Hội thảo... Công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở được thực hiện gắn liền với việc bàn bạc công khai, dân chủ về tổ chức thực hiện những nhiệm vụ ưu tiên nên đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, các Bộ, Ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động, tích cực vận động nhân dân, các doanh nghiệp cùng với cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện Chương trình bằng những việc làm cụ thể:
Thứ nhất, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới“ ở các cấp. Các đoàn thể phát động nhiều phong trào thi đua gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như: Phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Phong trào “Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới” của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Phong trào “Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” của Bộ Quốc phòng...
Thứ hai, các tỉnh, thành phố đã phát động nhiều phong trào với các tên gọi khác nhau như: “Thành phố Hà Nội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nhân dân các dân tộc Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”..., tỉnh Hà Tĩnh với phong trào “Việc làng - đất vàng cũng hiến; Hiến đất - mất một được hai”, tỉnh Hòa Bình với phong trào “Toàn dân làm sạch vệ sinh môi trường”, Tuyên Quang với phong trào “Bê tông hóa giao thông nông thôn”, tỉnh Lào Cai với phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”...
Công tác tuyên truyền, vận động đã tác động rất tích cực, làm thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân. Đa số đã chuyển từ thụ động, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước sang chủ động lựa chọn nội dung ưu tiên, đóng góp công sức và tích cực tham gia thực hiện, tạo thành một phong trào có sự hưởng ứng sâu rộng trong nước.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động. công tác kiểm tra, giám sát cũng phát huy hiệu quả đáng kể:
Ở Trung ương: Ban Chỉ đạo Trung ương đã phân công các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo là Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình ở các địa phương; phối hợp với Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách và hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo triển khai thực hiện, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đã kịp thời tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15/7/2014 và các văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công; chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại trong quá trình thực hiện, nhất là tình trạng chạy theo thành tích, huy động người dân đóng góp quá mức, nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới...
Ở địa phương: Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới, ngay từ những năm đầu, nhiều địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo các huyện, xã tập trung thực hiện các nội dung của Chương trình như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Lâm Đồng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở cơ sở cũng được các địa phương chú trọng và thường xuyên thực hiện. Điển hình như tỉnh Hà Tĩnh, định kỳ vào ngày thứ Bảy hàng tuần, Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức đi kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.