4 lưu ý cho mẹ bầu nhiễm Covid-19
Theo BS Nguyễn Công Định, khi số ca mắc Covid-19 tăng cao thì mẹ bầu khó tránh khỏi trở thành F0. Việc theo dõi cho thai phụ F0 đặc biệt lưu ý hơn người bình thường.
Đang mang bầu ở tuần thứ 35, chị Dương Thị H. Văn Khê, Hà Đông trở thành F0, chị vô cùng lo lắng. Khi đó, chị gọi điện cho bệnh viện nơi chị đăng ký sinh thì chỉ nhận được thông báo theo dõi tại nhà.
Chị H. gọi cho y tế phường cũng tương tự được dặn theo dõi tại nhà. Cả nhà đều coi chị là “rốn của vũ trụ” cả đêm mọi người đều cố gắng trông chừng diễn biến của F0. Chị H. mới tiêm 1 mũi vắc xin nên càng lo hơn.
Suốt 1 tuần, hai vợ chồng chị hầu như mất ngủ. Ông bà nội cũng mất ngủ theo vì theo sát động tĩnh của F0 đặc biệt.
Hai ngày đầu, chị H. vô cùng hoảng sợ, mệt mỏi. Sau đó, chị lấy dần bình tĩnh, tham gia vào các diễn đàn mẹ bầu mắc Covid-19 đã trải qua chị thấy mình học hỏi thêm được kinh nghiệm. Chị chịu khó ngồi thiền, tập thở thay vì nghĩ theo chiều hướng xấu.
Hàng ngày, sáng, trưa, chiều, tối chị đo SpO2 và báo cáo cho bác sĩ theo dõi thai nhi của mình. Chị H. dương tính tới ngày thứ 10 mới về 1 vạch. Chỉ đến khi chị về 1 vạch cả nhà mới ăn ngon, ngủ yên. Bản thân chị H. thấy mình là người may mắn. Hơn nữa, chị cho rằng bình tĩnh giúp chị vượt qua. Ban đầu nhận kết quả, cả hai vợ chồng rụng rời chân tay, chồng chị còn lo lắng hơn cả vợ.
Triệu chứng Covid-19, chị H. bị khó thở nhưng trước đó do mang thai to nên chị cũng thường xuyên khó thở. Chị theo dõi sát SpO2 để xem khó thở do thiếu oxy máu hay do thai nhi chèn ép. Sốt dưới 38,5 độ nên chị H. chỉ chườm để hạ sốt.
Ảnh thai phụ nhiễm Covid-19. |
Chị cũng lo lắng nhưng tự mình an tủi phải lấy lại bình tĩnh, làm theo hướng dẫn của bác sĩ theo dõi thai nhi của mình.
Đến nay, chị đã vượt qua Covid-19 được 2 tuần và đang vào tuần chờ sinh theo hẹn của bác sĩ.
Theo ThS. BSCKII. Nguyễn Công Định - Giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khoẻ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Cơ sở 2 - 38 Cảm Hội, thai phụ nhiễm Covid-19 thì cũng giống như người đang mang bệnh nền có nguy cơ trở nặng nhiều hơn. Vì vậy, để tránh lây nhiễm SARS-CoV-2 là ưu tiên hàng đầu của phụ nữ mang thai, mẹ bầu nên cố gắng tiêm vắc xin. Nếu không may bạn nhiễm phải loại virus này, hãy ghi nhớ những việc cần làm để giảm tối đa nguy cơ biến chứng sức khỏe cho bản thân và thai nhi.
Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và sự lan rộng của biến chủng Omicron, phần lớn các tỉnh, thành phố trên cả nước đã áp dụng biện pháp cho F0 điều trị tại nhà nhằm giảm tải cho điều trị tuyến trên.
Khi bà bầu mắc Covid-19 theo dõi tại nhà, bác sĩ Định cho biết bệnh nhân cần lưu ý 4 dấu hiệu sau:
Thứ nhất, theo dõi SP02 thường xuyên, tối thiểu 4 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau 4 tiếng. Nếu chỉ số SP02 từ 97% trở lên thì các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm, nếu chỉ số từ 96% thì sẽ cần chú ý, các mẹ nằm nghỉ ngơi 30 phút rồi đo lại, nếu chỉ số vẫn thấp thì đó là một dấu hiệu cảnh báo và có thể phải vào viện.
Thứ hai, mẹ bầu cảm thấy khó thở, các thai phụ có thể tự đếm nhịp thở của mình bằng cách để lộ lồng ngực ra sẽ thấy ngực của mình phập phồng thì đó là nhịp thở và đếm, nếu trên 20 lần/phút thì đó là dấu hiệu chuyển từ thể nhẹ sang thể trung bình, hoặc thai phụ tự cảm nhận thấy khó thở nhiều thì đó là dấu hiệu cần phải nhập viện.
Thứ ba, mẹ bầu bị sốt cao kéo dài từ 38,50C trở lên và phải phụ thuộc vào thuốc hạ sốt, nếu tình trạng này kéo dài trong 3 ngày mà không thuyên giảm thì đó cũng là một dấu hiệu cần phải nhập viện.
Thứ tư, bạn tự nhiên mệt mỏi, các thai phụ buổi sáng, buổi chiều vẫn đang hoàn toàn bình thường tự nhiên thấy cơ thể mệt mỏi mà khó giải thích thì đó cũng là dấu hiệu chuyển từ thể nhẹ sang thể trung bình và cần phải nhập viện.
Ngoài ra các mẹ có thể theo dõi thêm một số dấu hiệu khác như: đau bụng, ra máu, em bé đạp yếu đi nhỏ hơn 10 lần/2 tiếng, theo dõi mạch, huyết áp tại nhà nếu có dấu hiệu cao huyết áp, mạch nhanh, cơn đau tức ngực thì sẽ phải nhập viện.
Khánh Chi