4 loại rau củ cực kỳ tốt cho người tăng huyết áp
Bệnh nhân tăng huyết áp phải dùng thuốc suốt đời. Tuy nhiên, một chế độ ăn khoa học sẽ giúp họ phòng được nhiều biến chứng của bệnh.
Thống kê của Hội tim mạch học Việt Nam cho thấy, có khoảng 48% người Việt sẽ mắc các bệnh tăng huyết áp. Đây là nguyên nhân khiến cho 7 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm.
Người mắc bệnh cao huyết áp đang đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh tim mạch vành hay thậm chí là đột quỵ dẫn đến tử vong..
PGS Lưu Thị Hiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tăng huyết áp được chẩn đoán nếu đo vào hai ngày khác nhau, số đo huyết áp tâm thu của cả hai ngày là ≥ 140 mmHg và/hoặc số đo huyết áp tâm trương ở cả hai ngày là ≥ 90 mmHg.
Theo PGS Hiệp, chỉ một số ít bệnh nhân có những triệu chứng như: nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mặt đỏ bừng, buồn nôn, lo lắng… còn lại rất nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp mà không hề có dấu hiệu cảnh báo trước, chỉ tình cờ phát hiện bệnh khi thăm khám tổng quát.
Bệnh tăng huyết áp có thể gây ra 4 biến chứng nguy hiểm. Đó là tim dày lên dẫn đến suy tim, biến chứng ở mắt khiến người bệnh bị mù, biến chứng suy thận và biến chứng đột quỵ não.
Với bệnh nhân bị tăng huyết áp, biến chứng nhồi máu cơ tim cấp có thể xảy ra sau 5-10 hay 20 năm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Khi được chẩn đoán tăng huyết áp, BS Hiệp cho rằng ngoài dự phòng bằng thuốc, một chế độ ăn cho bệnh nhân tăng huyết áp phù hợp cùng với lối sống lành mạnh sẽ là chìa khóa ngăn ngừa cũng như giảm thiểu triệu chứng bệnh.
Bởi vì các nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố thuộc về dinh dưỡng, lối sống cũng có mối liên quan rõ rệt đến tình trạng huyết áp tăng cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy trên cơ địa người có yếu tố di truyền của bệnh, nếu có chế độ ăn uống và lối sống phù hợp thì nguy cơ mắc bệnh giảm đi đáng kể.
Người bị tăng huyết áp cần ăn uống khoa học hơn. Hạn chế các thực phẩm giàu natri như các thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm ăn nhanh, thực phẩm ủ muối.
Người bị tăng huyết áp nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo. Chất béo bão hòa là loại chất béo có hại cho sức khỏe, có nguồn gốc từ mỡ động vật và chất béo không bão hòa chất béo tốt cho sức khỏe nếu ăn với lượng vừa phải, có trong các loại hạt, đậu, dầu thực vật, các loại bơ.
Ảnh minh họa. |
Đặc biệt, trong chế độ ăn của người tăng huyết áp cần bổ sung nhiều chất xơ. Bởi vì chất xơ nhất là các dạng chất xơ hòa tan có tác dụng gia tăng nhu động ruột, giúp hạn chế hấp thu chất béo, điều hòa gián tiếp tình trạng rối loạn lipid máu.
Ngoài ra, chất xơ cũng giúp giảm huyết áp gián tiếp thông qua giảm insulin máu. Nhờ đó, một khẩu phần ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm huyết áp.
PGS Hiệp cho biết các loại rau củ được khuyến khích dùng cho người bệnh tăng huyết áp thường là những loại rau quả giàu Kali và thường có tính lợi tiểu như: rau xà lách, rau cải xoăn, rau diếp cá, rau chân vịt,…
Rau cần tây
Người bị tăng huyết áp có thể bổ sung thêm vào thực đơn của mình một ly nước ép cần tây trong ngày. Đây là loại rau giàu dinh dưỡng, chứa nhiều Vitamin K, B6; Calci, Kali,…
Cần tây có tác dụng hỗ trợ kiểm soát huyết áp, giúp giảm cân, giảm cholesterol. Cần tây còn có tác dụng tốt cho các bệnh viêm khớp.
Đặc biệt, hợp chất 3nB trong cần tây có thể hạ huyết áp bằng cách làm giảm sự tích tụ chất béo trong động mạch và tăng tính đàn hồi của thành động mạch.
Cần tây có chứa sắt, canxi, phốt pho, giàu protid, các axit amin tự do, tinh dầu, inositol và nhiều loại vitamin, giúp tăng cảm giác thèm ăn, kích thích tuần hoàn máu, cải thiện hệ thống miễn dịch và bổ não.
Hạt bí ngô
Giống như nhiều loại hạt khác, hạt bí ngô là thực phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch với tác dụng trong điều hòa huyết áp, nồng độ cholesterol và lượng đường trong máu. PGS Hiệp cho biết trong hạt bí ngô chứa các chất quan trọng như magiê, kali, arginine Protein, chất xơ, Omega 3,…
Hạt bí ngô có tác dụng hỗ trợ kiểm soát huyết áp, giảm cholesterol và lượng đường huyết. Hạt bí ngô chứa hàm lượng lớn chất béo không bão hòa đơn và các chất dinh dưỡng cần thiết như: Protein, chất xơ và axit amin giúp cải thiện sức khỏe cho hệ tim mạch.
Cà rốt
Trong cà rốt chứa nhiều kali succinate, phenolic như axit chlorogenic, p-coumaric và caffeic.
Cà rốt có tác dụng hỗ trợ điều hòa huyết áp và tăng lưu lượng máu mạch vành, cải thiện chức năng vi mạch, giảm lipid và đường huyết,... Với người cao huyết áp cà rốt làm mềm thành mạch và ổn định huyết áp. Dùng củ cà rốt tươi ép lấy nước uống mỗi lần 50ml, ngày ba lần sẽ rất hữu hiệu.
Cà chua
Theo PGS Hiệp, cà chua giàu chất dinh dưỡng, bao gồm flavonoid, kali, carotenoid, Vitamin A, E,…
Tác dụng của cà chua - giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp cao. Cà chua chứa lycopene có tác dụng phòng chống ung thư tuyến tiền liệt nếu ăn chín.
Y học cổ truyền cho rằng cà chua có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, bình can và giáng áp.
Người bị tăng huyết áp ăn khoảng 300 gram cà chua sống mỗi ngày có thể giảm ảnh hưởng của tăng huyết áp tới các cơ quan khác trong cơ thể.
Khánh Chi