4 công nhân bị tử vong do ngạt khí, cách gì để phòng ngừa?
Hai công nhân môi trường bị ngạt khí và đã hô hoán, 3 người khác thấy vậy xuống ứng cứu. Họ sau đó cùng mắc kẹt. Kết quả 4 người tử vong, 1 người đã qua cơn nguy kịch.
Sự việc đau lòng xảy ra tại công ty Miwon (Phú Thọ) khiến 4 người tử vong do ngạt khí một lần nữa cảnh báo rủi ro luôn tiềm ẩn xung quanh chúng ta.
Trao đổi với phóng viên, BS Đinh Thế Tiến, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, cho biết ngạt khí là tình trạng cơ thể không thể hấp thu được O2, ứ đọng nhiều CO2 trong hệ hô hấp, dẫn đến rối loạn chức năng cơ quan hô hấp và có thể gây tử vong
Ngạt khí thường xảy ra trong tình huống người bệnh ở trong điều kiện thiếu oxy trầm trọng hoặc sự xuất hiện của các chất khí có khả năng tranh chấp với oxy trong quá trình trao đổi khí có thể là nguyên nhân.
Ví dụ như: Carbon monoxide. Đây là một loại khí không màu, không mùi xuất phát từ việc đốt các loại nhiên liệu khác nhau. Nếu hít vào quá nhiều, khí sẽ tích tụ trong cơ thể và thay thế oxy trong máu.
“Trong đời sống có thể rất hay gặp các tai nạn do ngạt khí carbon monoxide (CO) như việc đun nấu, sưởi ấm bằng than củi, hoặc than tổ ong trong điều kiện thiếu không khí, hoặc hít phải khí trong các đám cháy.
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ đến thăm hỏi nạn nhân trong vụ ngạt khí tại công ty Miwon |
Một trường hợp thường gặp nữa là có thể ngộ độc khí CO đối với các tài xế xe ô tô. Ngủ trong xe bật điều hoà, nhưng do xe hết xăng, hoặc do máy quá nóng vì dừng lâu một chỗ khiến hệ thống làm mát cưỡng bức không hoạt động dẫn đến thiếu không khí, người ngủ trong xe lịm dần và có thể tử vong”, BS Đinh Thế Tiến cho hay.
Ngoài ra, người bị ngạt khí do cyanide giữ cho các tế bào không thể lấy oxy và dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc xyanua. Tình huống này hay gặp phải trong trường hợp hít phải khói trong đám cháy hoặc khi tiếp xúc với một số hóa chất công nghiệp hoặc làm việc trong môi trường đặc biệt như như khai thác mỏ hoặc gia công kim loại.
Ngạt khí Hydrogen sunfua cũng khiến người ta bị tử vong. Bởi theo BS Thế Tiến, khí này có mùi như trứng thối. Nó có thể đến từ nước thải, phân lỏng, suối nước nóng lưu huỳnh và khí tự nhiên. Nếu hít vào quá nhiều, nó có thể ngăn oxy đi vào tế bào, giống như cyanide. Có thể gặp trong các trường hợp hít phải khói trong đám cháy, hoặc công việc khai thác trong hầm lò.
Để phòng tránh ngạt khí, BS Tiến khuyến cáo người dân không sử dụng bếp củi, than củi hoặc than tổ ong để nấu và sưởi ấm, đặc biệt trong các không gian thông khí kém.
Luôn đảm bảo và tuân thủ các quy định về an toàn lao động, đặc biệt trong các môi trường nguy hiểm có nguy cơ ngạt khí cao như công nhân hầm lò, trong các công xưởng hóa chất.
Tại các cơ sở sản xuất cần có quy định nghiêm ngặt về kiểm tra môi trường lao động. Người dân/công nhân không nên tự ý đi vào các môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ như đám cháy, hoặc hầm lò cũ nếu không được trang bị các điều kiện phòng hộ chống ngạt khí.
Liên quan sự cố xảy ra tại công ty Miwon chiều 18/7, UBND tỉnh Phú Thọ cho biết đã có 4 người tử vong. Nạn nhân bị thương là Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 1987, ở xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) hiện đang được điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, hiện đã qua cơn nguy kịch.
Theo cơ quan chức năng, sự cố xảy ra vào khoảng 17h30 ngày 18/7. Lúc này, Công ty TNHH Miwon Việt Nam (phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thuê một đơn vị môi trường độc lập ở Hà Nội đến vệ sinh hố gas vi sinh. Trong quá trình vệ sinh, 2 công nhân của công ty môi trường này bị ngạt khí và đã hô hoán.
Nghe thấy tiếng kêu cứu, 3 công nhân thuộc bộ phận lò hơi đang làm việc gần đó đã đến và nhảy xuống ứng cứu. Tuy nhiên, cả 5 người đều bị ngạt khí, ngất đi.
Phía doanh nghiệp sau đó đã gọi điện báo cho lực lượng chức năng để ứng cứu. Tuy nhiên, 3 người được xác định tử vong tại chỗ, một người tử vong tại bệnh viện.
Hiện cơ quan công an đã vào cuộc điều tra nguyên nhân sự cố và trách nhiệm của các bên liên quan.
N.Huyền