3 tháng chạy đua với tử thần giành giật sự sống cho bé trai 8 tuổi bị sốt xuất huyết
Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa cứu sống một bệnh nhi sốt xuất huyết Dengue (SXHD) nặng. Quá trình điều trị cho bệnh nhi rất khó khăn và kéo dài đến 3 tháng.
Trước đó, vào ngày 25/4, bé trai TNKQ (8 tuổi, huyện Hóc Môn, TP.HCM) sốt cao liên tục 4 ngày 39-40 độ C, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt lại.
Sáng ngày thứ 4, bé bớt sốt nhưng than mệt, nhức đầu nhiều nên nhập BV huyện Hóc Môn trong tình trạng tụt huyết áp kèm cô đặc máu nặng với chỉ số hồng cầu chỉ 51%.
Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán sốc SXHD nặng, được truyền dịch chống sốc và chuyển đến BV Nhi Đồng 1 để tiếp tục hồi sức.
Theo PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, ngoài sốc độ nặng nhất, bệnh nhi còn bị tái sốc, sốc ngày sớm trên cơ địa dư cân béo phì (nặng 53 kg trong khi cân nặng hiệu chỉnh ở lứa tuổi này chỉ là 26 kg).
Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, tích cực truyền dịch chống sốc và chuyển vào khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị.
Tại đây, bệnh nhi diễn tiến nặng với sốc kéo dài, suy hô hấp kèm tổn thương gan, thận, chức năng đông máu và tăng áp lực ổ bụng nặng.
Bệnh nhi bị sốt xuất huyết. |
Để có thể cứu sống bệnh nhi, các BS đã đặt nội khí quản giúp thở, truyền dịch, máu, chế phẩm máu liên tục... Tuy nhiên, tổn thương các cơ quan vẫn tiếp diễn, nhất là suy gan thận nặng đe dọa tính mạng.
Bệnh nhi đã được lọc máu liên tục trong vòng một tháng mới có thể phục hồi chức năng gan thận. Sau đó, phải mất gần hai tháng mới có thể cai được máy thở.
Việc cai máy thở cũng gặp rất nhiều khó khăn do bệnh nhi sau khi tỉnh táo cảm thấy sợ hãi, không thở được nếu không có máy thở.
Sau gần 3 tháng chạy đua với tử thần, bệnh nhi đã xuất viện khỏe mạnh về nhà vào ngày 22-7 trong niềm vui, hạnh phúc của các BS và điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực.
PGS Phạm Văn Quang khuyến cáo, hiện dịch SXHD đang tăng cao và có nhiều trường hợp nặng, bệnh nhi không chỉ nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch mà còn có tổn thương đa cơ quan có thể dẫn đến tử vong.
Những triệu chứng ban đầu của SXHD khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm. Đặc biệt khởi phát của SXHD có khi giống với bệnh cảnh COVID-19 nên dễ bỏ sót.
Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện của nhiều phụ huynh dẫn đến nguy cơ trẻ bệnh SXHD dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Theo PGS Quang từ đầu tháng 04/2022 đến nay, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của BVNĐ1 đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc thể nặng nhất đe dọa tính mạng của SXHD là Sốc SXHD nặng kèm suy đa cơ quan.
Việc hồi sức ở những trẻ này rất phức tạp, tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại di chứng cho trẻ sau này nếu vượt qua được.
Đã có những trường hợp gia đình tự điều trị, không phát hiện sớm được bệnh cảnh SXHD, dẫn đến khi trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã ở giai đoạn muộn.
Vì vậy, nếu trẻ có sốt cao liên tục từ 2-7 ngày, cha mẹ nên nghĩ đến SXHD và đưa trẻ đến cơ sở y tế khám để tránh bỏ sót bệnh SXHD.
K.Chi