3 lý do để tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi để trẻ tự tin tham gia bất cứ hoạt động xã hội nào.
PGS Lân cho biết thực tế số trẻ mắc Covid-19 sẽ tăng lên khi số ca mắc tăng. Dù trẻ nhiễm Covid-19 đa phần triệu chứng nhẹ nhưng cũng vẫn có nguy cơ lây lan cho người khác.
PGS Lân đưa ra 3 lý do cần tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ ở nhóm tuổi này vì:
Thứ nhất, trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vắc xin thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.
Khi mắc Covid-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nặng nhập viện nặng. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19).
Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.
3 lý do để tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi |
Theo PGS Lân, hiện nay qua theo dõi với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em đặc biệt chưa tiêm chủng.
Nếu trẻ tiêm chủng rồi hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.
Thứ hai, vắc xin tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi đã được lựa chọn là Pfizer đã được WHO, FDA Hoa Kỳ cũng như Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu phê duyệt.
Số nước sử dụng tăng lên hằng ngày và đến nay là 44 nước và 3/4 số nước đó đã sử dụng vắc xin.
Đối với vắc xin, vấn đề thử nghiệm lâm sàng là vấn đề hết sức thận trọng, đầy đủ. Với vắc xin này, các lứa tuổi lớn- 18 tuổi trở lên thử nghiệm trước, sau đấy là lứa tuổi 12-17 tuổi và hiện tại từ 5 đến 11 tuổi.
PGS Lân nhấn mạnh quá trình thử nghiệm này được làm một cách hết sức thận trọng, bài bản qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Thứ ba là việc triển khai, tổ chức tiêm chủng của Việt Nam, chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc cung ứng đến việc tiêm chủng.
Với chương trình tiêm chủng mở rộng, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm tiêm cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết Bộ Y tế để thực hiện chiến dịch tiêm chủng cho nhóm tuổi từ 5 đến 11 tuổi lần này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục ban hành các hướng dẫn để tổ chức triển khai tiêm một cách chi tiết, đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn tiêm chủngđược ưu tiên hàng đầu.
Trẻ sẽ được tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng tương tự như chiến dịch tiêm cho các trẻ em lớn trong thời gian qua: trẻ đi học thì các cháu được tiêm tại trường, những trẻ không đi học được tiêm chủng tại trạm y tế; đối với những trẻ có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính thì sẽ tiêm tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Hiện nay các dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tác dụng phụ của vắc xin Pfizer cũng giống với các vắc xin cơ bản mà trẻ tiêm vào những tháng đầu đời. Phản ứng phổ biến nhất là mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ, sưng đỏ cánh tay. Những triệu chứng này sẽ biến mất sau vài ngày, không có báo cáo về tác dụng phụ lâu dài.
Biến chứng viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim khá hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở thanh thiếu niên. Pfizer không báo cáo bất cứ ca viêm tim nào trong thử nghiệm lâm sàng ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Khánh Chi