23 câu hỏi nhận biết sớm nguy cơ tự kỷ ở trẻ 18-24 tháng tuổi
Bạn cảm thấy lo lắng khi trẻ chậm nói dù sắp 2 tuổi? Bạn hãy trả lời 23 câu hỏi nhận biết sớm nguy cơ tự kỷ ở trẻ 18-24 tháng tuổi xem sao nhé.
Nuôi con là một quá trình vất vả đầy tâm huyết của cha mẹ. Đặc biệt, sự phát triển của con trong độ tuổi 3 năm đầu đời luôn chiếm trọn sự quan tâm của bất cứ bậc phụ huynh nào.
Đối với một đứa trẻ, sự phát triển về thể chất và tinh thần luôn song hành, cho nên ngoài việc chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ khi ốm đau hay mạnh khỏe, cha mẹ cũng luôn chú ý rất nhiều tới sự phát triển trí não của con thông qua khả năng ngôn ngữ, cảm xúc hành vi...
Với những trẻ chậm nói, cha mẹ thường rất lo con mắc chứng tự kỷ. Để giải tỏa nỗi lo này cũng như tìm cho con phương pháp can thiệp sớm (nếu cần), cha mẹ nên tìm hiểu kỹ hơn về chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ.
Ảnh minh họa |
Theo thông tin trên cổng thông tin Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc, tự kỷ là một dạng bệnh trong nhóm rối loạn phát triển xâm nhập, ảnh hưởng đến nhiều mặt về sự phát triển của trẻ nhưng chủ yếu là: khiếm khuyết về tương tác xã hội, khiếm khuyết về giao tiếp (không lời và lời nói), các hành vi bất thường hoặc các mối quan tâm bị thu hẹp, rập khuôn và lặp lại.
Các dấu hiệu báo động tự kỷ ở trẻ trước 24 tháng:
Không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi;
Không có cử chỉ khi 12 tháng tuổi: chỉ tay vẫy tay, bắt tay, nhìn mắt, cười đáp…
Không nói được từ đơn khi 16 tháng;
Không tự nói câu 2 từ khi 24 tháng;
Mất kĩ năng ngôn ngữ và giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Bảng kiểm MCHAT-23 với 23 câu hỏi nhận biết sớm nguy cơ tự kỷ ở trẻ 18-24 tháng tuổi
1. Trẻ có thích được đung đưa, nhún nhảy trên đầu gối của bạn không?
2. Trẻ có quan tâm đến trẻ khác không?
3. Trẻ có thích trèo lên đồ vật như cầu thang không?
4. Trẻ có thích chơi ú oà/ trốn tìm không?
5. Trẻ đã bao giờ chơi giả vờ chưa (như giả vờ nghe điện thoại, chăm sóc búp bê...)?
6. Trẻ có bao giờ dùng ngón tay trỏ để chỉ, yêu cầu đồ vật?
7. Trẻ có dùng ngón tay trỏ để chỉ hoặc thể hiện sự quan tâm đến đồ vật?
8. Trẻ có bao giờ chơi đúng cách với các đồ chơi nhỏ (ôtô, khối xếp hình...) mà không cho vào miệng, nghịch lung tung hoặc thả chúng xuống?
9. Trẻ có bao giờ mang đồ vật đến khoe với bạn hoặc bố mẹ?
10. Trẻ có nhìn vào mắt của bạn lâu hơn 1 hoặc 2 giây không?
11. Trẻ có bao giờ quá nhạy cảm với tiếng động không (như bịt hai tai)?
12. Trẻ có cười khi nhìn thấy mặt bạn hay khi bạn cười không?
13. Trẻ có biết bắt chước không (chẳng hạn bạn làm điệu bộ trên nét mặt, trẻ có biết làm theo không)?
14. Trẻ có đáp ứng khi được gọi tên?
15. Trẻ có nhìn vào đồ vật/đồ chơi ở chỗ khác khi ta chỉ vào?
16. Trẻ có biết đi không?
17. Trẻ có nhìn vào đồ vật mà bạn đang nhìn không?
18. Trẻ có làm những cử động ngón tay bất thường ở gần mặt không?
19. Trẻ có cố gắng gây sự chú ý của bạn đến những hoạt động của trẻ?
20. Bạn có bao giờ nghi ngờ trẻ bị điếc?
21. Trẻ có hiểu điều mọi người nói không?
22. Thỉnh thoảng trẻ có nhìn chằm chằm một cách vô cảm hoặc đi tha thẩn không mục đích?
23. Khi đối mặt với những điều lạ, trẻ có nhìn vào mặt bạn để xem phản ứng của bạn không?
Bảng kiểm MCHAT-23 đánh giá trẻ tự kỷ lứa tuổi 18-24 tháng sẽ cho kết quả nguy cơ cao khi trẻ có ít nhất ba câu trả lời bất kỳ hoặc hai câu then chốt (nằm trong các câu số 2, 7, 9, 13, 14, 15) là không. Tuy nhiên, với các câu 11,18, 20, 22 thì câu trả lời có lại ám chỉ nguy cơ trẻ bị tự kỷ.
Có nên thưởng quà, đãi tiệc cho con sau kỳ thi vất vả?
Có những gia đình vay nợ vì những bữa tiệc được tổ chức phô trương, để con bằng bạn bằng bè, rạng rỡ mặt mày cha mẹ..
Ngọc Khánh (tổng hợp)