2021 – 2025: Cả nước phấn đấu có 19 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM
Xác định tiêu chí giao thông và phát triển kinh tế là khâu đột phá trong xây dựng NTM. Do đó, xác định làm tốt tiêu chí giao thông cùng với phát triển kinh tế sẽ tác động tích cực đến các tiêu chí nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo…
Theo đó, các tỉnh đều phải tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhà nước và nhân dân cùng làm với phương châm “nhận thức đúng, hành động đúng”, “hiểu đúng, làm đúng”, “dân góp, dân làm, dân thụ hưởng”.
Ngoài ra, cũng cần phân công nhiệm vụ cho mặt trận, đoàn thể đến vận động với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “vào từng hộ, gặp từng người”. Ngoài ra, luôn đổi mới phương pháp tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng nòng cốt cán bộ gương mẫu trong hiến đất, tài sản làm đường, “việc làng đất vàng cũng hiến
Để phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới, cần có cách tiếp cận mới để đảm bảo tính bền vững. Việc thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân được đặt làm mục tiêu, cư dân nông thôn làm chủ thể, cộng đồng thôn, bản là đơn vị để đánh giá.
Cùng với đó là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ sẽ làm trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…
Từ năm 2021-2025, Chương trình MTQGNTM cũng đề ra chỉ tiêu cụ thể, cả nước có ít nhất 19 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (có phân theo vùng); cấp huyện có 50% đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (có phân theo vùng). Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; trong đó ít nhất 10% số huyện đạt NTM kiểu mẫu; cấp xã có 80-85% số xã đạt chuẩn NTM (có phân theo vùng)…
Đặc biệt, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Với mục tiêu cụ thể này, chương trình MTQGNTM cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới xây dựng NTM trong giai đoạn tới. Theo đó, để phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới, cần có cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính bền vững.
Mô hình trồng cây ăn quả tạixã Phú Cường (huyện Ba Vì, Hà Nội) |
Theo Ban Chủ nhiệm Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới thì phải xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, không được chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng phải hết sức tích cực, quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện. Hiện nay, nhiều địa phương đã tìm được hướng đột phá, trong đó có việc huy động sức dân vào xây dựng NTM.
Xác định xây dựng NTM không chỉ để cơ sở vật chất khang trang mà quan trọng hơn là đời sống người dân phải được nâng lên, xã Phú Cường (huyện Ba Vì, Hà Nội) đã chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất lúa, cây màu, đưa các giống mới và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm tiết kiệm công lao động, tăng năng suất trong các khâu làm đất, thu hoạch.
Cùng với cây lúa, cây màu vụ đông, nhiều năm nay, chăn nuôi của xã đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu ngành, chăn nuôi trâu bò từ lấy sức kéo chuyển sang chăn nuôi thương phẩm, đàn gia cầm phát triển mạnh, trên địa bàn đã xuất hiện những vùng chuyên canh thủy sản, cây ăn quả tập trung để tăng thu nhập trên một héc-ta canh tác.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng phát triển mạnh với nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được giữ gìn và phát triển ổn định, giá trị thu nhập của ngành năm 2018 đạt 88,845 tỷ đồng, chiếm 41,3% cơ cấu kinh tế.
Thương mại - dịch vụ là ngành có tốc độ phát triển tương đối nhanh, như các dịch vụ nhà hàng, buôn bán nông sản, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người, thu hút nhiều lao động tham gia, tổng thu nhập toàn ngành dịch vụ năm 2018 đạt hơn 43 tỷ đồng, chiếm 20% cơ cấu kinh tế. Từ đẩy mạnh phát triển kinh tế ở cả ba mảng, thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 35,2 triệu đồng năm 2017 lên 41,93 triệu đồng năm 2018.