2016: Năm tích cực hợp tác quốc tế phòng, chống buôn người của Việt Nam
Quá trình hội nhập cũng tạo điều kiện để nhà nước Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, triển khai có hiệu quả các điều ước quốc tế đa phương về phòng, chống tội phạm mua bán người, như Nghị định thư về việc phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc; Nghị định thư không bắt buộc về mua bán trẻ em, mại dâm và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng tăng cường triển khai các hiệp định song phương với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Campuchia để loại trừ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán, xác định và hồi hương các nạn nhân bị buôn bán trở về.
Ngày 22/7, tại Quảng Trị đã diễn ra hội thảo đa phương về phòng chống tội phạm mua bán người lần thứ 3 giữa tỉnh Quảng Trị, tỉnh Savanakhet, Salavan (Lào) và tỉnh Mukdahan (Thái Lan). Hội thảo do Hội LHPN tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) tổ chức.
Về tình hình tội phạm mua bán người, tại địa bàn Quảng Trị, qua các đợt tổng điều tra, khảo sát từ năm 1997 đến nay, công an tỉnh đã phát hiện 10 nhóm/19 đối tượng thực hiện hành vi mua người ra nước ngoài, trong đó có 3 nhóm/6 đối tượng có biểu hiện liên quan đến hoạt động mua bán người qua Lào và Thái Lan. Số nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài là 32, trong đó lừa bán sang Lào là 4 nạn nhân.
Các đối tượng tội phạm thường lợi dụng người dân sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, không có công ăn việc làm ổn định để tổ chức đưa họ sang Trung Quốc hoặc Lào với lý do ban đầu là tìm việc làm. Khi sang đó, số người này sẽ không có hợp đồng lao động hợp pháp, không được đi lại tự do vì không có giấy tờ hợp lệ nên dễ bị mua bán, bóc lột sức lao động.
Những năm gần đây, trên cơ sở biên bản ghi nhớ, hằng năm Hội LHPN tỉnh Quảng Trị (Việt Nam), Hội LHPN tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào) và Ủy ban Phát triển phụ nữ tỉnh Mukdahan (Thái Lan) đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm chia sẻ kinh nghiệm, trong đó chú trọng hoạt động phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây.
Từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam mở 27 lớp tập huấn về di cư an toàn và phòng ngừa mua bán người cho 1.401 người dân thuộc đối tượng di cư tiềm năng tại các xã tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị; tổ chức 8 điểm truyền thông, tư vấn lưu động về di cư an toàn và phòng ngừa mua bán người cho 467 người là công nhân trong những doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và người dân thuộc địa bàn biên giới.
Đại diện Hội LHPN các tỉnh dự hội nghị đã ký biên bản ghi nhớ về kế hoạch hành động chung phòng chống tội phạm mua bán người. Nội dung công tác tập trung vào việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em; hỗ trợ nạn nhân trở về cuộc sống cộng đồng và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, hội phụ nữ trong phòng, chống mua bán người của các địa phương nói trên.
*Tại Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam - Thái Lan về phòng, chống mua bán người, tổ chức tại Hà Nội vào sáng 16/9, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết: trung bình mỗi năm, cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện khoảng 500 vụ, lừa bán 1000 nạn nhân. Trong đó, 85% là mua bán ra nước ngoài và gần 80% là phụ nữ, trẻ em.
Theo Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người tại Việt Nam diễn biết rất phức tạp, có xu hướng tăng và xuyên quốc gia. Từ năm 2013 đến tháng 8 năm 2016, cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện gần 1700 vụ, lừa bán 3.400 nạn nhân.
Tại Hội nghị, hai Bên thống nhất, thời gian qua, việc thực hiện Hiệp định hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan về phòng, chống mua bán người được Chính phủ hai nước quan tâm chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung của Việt Nam thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả.
Nhờ đó, đã chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình hoạt động tội phạm mua bán người giữa hai nước, góp phần nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của hai nước.
Ngài Maitri Inthusut, Thứ trưởng Thường trực Bộ Phát triển xã hội và An ninh con người Thái Lan cho biết: "Tình hình mua bán người giữa Việt Nam và Thái Lan có sự thay đổi rất nhiều cả về hình thức và cách thức. Chính phủ hai nước nhận thức rõ về vấn đề này, bởi nó là vấn đề của cả thế giới. Qua giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã kết thúc thì hai Bên là Thái Lan và Việt Nam cũng đã họp Hội nghị song phương xây dựng kế hoạch ưu tiên phối hợp giai đoạn 3. Kế hoạch này sẽ giúp đỡ cả Thái Lan và Việt Nam về phối hợp triệt phá nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và giúp đỡ nạn nhân từ mua bán người".
Trên cơ sở đoàn kết và hợp tác, hai Bên thống nhất nội dung, kế hoạch các hoạt động phối hợp thực hiện Hiệp định giai đoạn 2017 - 2020, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường hiệu quả của việc thực hiện Hiệp định; tăng cường phòng ngừa mua bán người; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người; nâng cao hiệu quả của quá trình bảo vệ nạn nhân bằng cách lấy nạn nhân làm trung tâm; tăng cường năng lực và hiệu quả của việc trao đổi thông tin trong điều tra và xử lý tội phạm.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Trang |