10X là đại sứ học thuật trường Ams trúng tuyển đại học top 1 Canada
Nguyễn Đình Phong được biết tới là đại sứ học thuật của Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam năm 2022. Nam sinh chuyên Lý có IELTS 8.0, từng giành được một số giải thưởng về làm phim. Mới đây, Phong nhận tin trúng tuyển 7 đại học của Mỹ và 1 ngôi trường đại học hàng đầu Canada – Đại học Toronto.
Trong bức thư báo trúng tuyển đến từ Đại học Rochester (Mỹ), nam sinh được trường đánh giá cao về tài năng, khi vừa có thể nghiên cứu, vừa có khả năng làm nghệ thuật. Điều đó khiến ngôi trường này ấn tượng, trân trọng và mong muốn chào đón em vào học.
Chưa quyết định sẽ lựa chọn ngôi trường nào, nhưng Đình Phong nói, em luôn mơ ước về một môi trường học tập – nơi theo đuổi giáo dục khai phóng, cho phép sinh viên được tự do khám phá bản thân, không có đường biên của sự sáng tạo và sinh viên được phép theo học nhiều ngành cùng lúc.
“Điều này sẽ phù hợp với tính cách và sở thích của em – vốn mong muốn theo đuổi về Khoa học môi trường và làm phim”, Phong nói.
Yêu thích nghệ thuật, khi còn nhỏ, Phong được mẹ cho tham gia nhiều câu lạc bộ dành cho thiếu nhi. Em biết nhảy dancesport, từng biểu diễn ở một số sân khấu lớn, tham gia một vài chương trình trên truyền hình của VTV. Điều đó khiến Phong luôn tràn đầy tự tin và thích được biểu diễn trước đông người.
Đỗ vào Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Phong đăng ký làm thành viên CLB Nghệ thuật của trường (Hanoi - Amsterdam Art Team). Tại đây, nam sinh nhiều lần được thử sức với các vai diễn trong nhiều chương trình nhạc kịch.
Năm lớp 11, Phong trở thành Phó Chủ tịch CLB, đồng thời là tổng đạo diễn Chương trình Nghệ thuật Tổng hợp GALA HAT 2022 với số khán giả xem khoảng 1.000 người.
Việc tham gia một chương trình lớn, theo Phong, đã giúp em trau dồi năng lực tổ chức, điều hành, tạo nên tính cách quyết đoán và biết lập kế hoạch bài bản.
Yêu thích nghệ thuật, quan tâm đến các vấn đề về môi trường, Đình Phong luôn cố gắng tìm ra điểm kết nối giữa hai đam mê ấy. Giữa năm lớp 11, Phong tự tìm tòi để làm một dự án phim ngắn về vấn đề xử lý rác thải.
Sau khi tìm kiếm thông tin, nghiên cứu quy trình xử lý rác thải ở địa phương và nhiều nơi trên thế giới, Phong quyết định tìm về làng Minh Khai – nơi chuyên tái chế rác thải nhựa tại Hưng Yên.
Những thước phim đầu tiên không mấy thuận lợi do người dân không thoải mái với việc phải đứng trước máy quay. Suốt nhiều ngày di chuyển từ Hà Nội – Hưng Yên nhưng không tìm được nhân vật, Phong quyết định “gác máy”, dành thời gian trò chuyện, thuyết phục và thấu hiểu nhân vật hơn.
Sau nhiều ngày nam sinh “ở lì” tại nơi làm việc, những người dân tại đây cũng đã cởi mở hơn và cho phép em ghi lại những thước phim về công việc của mình.
Toàn bộ quá trình quay dựng đều do Phong thực hiện độc lập, kéo dài trong hơn 3 tháng.
“Trước đó, em chỉ làm những video đơn giản để ghi lại những cảnh vật mình yêu thích. Nhưng với dự án này, em phải lên kịch bản nghiêm túc, sau đó mày mò dựng, đổ màu, làm phụ đề cho phim”, Phong nói.
Gặp nhiều khó khăn trong khâu kỹ thuật hay cách truyền tải thông điệp cho phim, Phong vừa làm, vừa tự đúc kết ra bài học.
Sau khi hoàn thiện, Phong gửi phim ngắn mang tên “Do you know what happens to your trash?” (Bạn có biết rác của mình sẽ đi đâu không?) tham gia cuộc thi The Genius Olympiad. Đây là một cuộc thi về môi trường lớn dành cho học sinh trung học trên toàn thế giới được tổ chức thường niên tại Mỹ.
“Do you know what happens to your trash?” sau đó đã giành Huy chương Bạc quốc tế, đồng thời được chiếu trong một liên hoan phim về môi trường tại bang Florida (Mỹ).
Hoàn thành dự án, Phong cảm thấy chắc chắn hơn về con đường mình muốn theo đuổi. Em cũng tham gia một vài cuộc thi khác về môi trường để thử sức.
Tình cờ biết đến cuộc thi “Future Blue Innovation” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, Phong cùng 3 người bạn trường Ams quyết định đăng ký tham gia.
Ý tưởng ban đầu của cả nhóm sẽ tạo ra một thiết bị giúp thu thập các dữ liệu về môi trường. Vì thế, nhóm của Phong quyết định tạo ra một phần mềm sử dụng trên điện thoại thông minh, kết hợp với thiết bị đo đạc để đo các chỉ số không khí.
Khi sử dụng ứng dụng này trên điện thoại, người dùng sẽ xem được các chỉ số tại những nơi đã đặt cảm biến đo. Đối với những nơi chưa có cảm biến, nhóm dùng thuật toán “nội suy tuyến tính” để tính ra chất lượng không khí với thông tin chính xác. Tính năng của thuật toán này hiện ở 14 điểm đo của thành phố đều không có.
“Thiết bị đo chất lượng không khí được nhóm nghiên cứu, tập trung vào việc đo hai loại bụi gây ảnh hưởng nhất đến sức khỏe con người là bụi PM 2.5 và bụi PM10. Ngoài ra, thiết bị này còn đo được độ ẩm và nhiệt độ không khí”, Phong nói.
Sản phẩm này của nhóm sau đó đã giành giải Nhất chung cuộc trong cuộc thi, vượt qua gần 1.250 bài dự thi khác.
Tìm thấy đam mê và được bố mẹ ủng hộ, Phong có định hướng rõ ràng sẽ theo đuổi ngành Khoa học môi trường và làm phim khi “apply” học bổng du học.
“Việc không chỉ yêu thích khoa học và nghệ thuật mà còn biết cách kết hợp cả hai lĩnh vực ấy có lẽ là điểm cộng lớn giúp các nhà tuyển sinh thấy hứng thú về em”, Phong nói.
Ngoài ra, Phong cũng đạt nhiều thành tích về học thuật khi giành giải Nhì kỳ thi HSG thành phố môn Vật lý, giải Nhì môn Khoa học cấp thành phố, giải Vàng kỳ thi AI-JAM Online Competition…
Trong bài luận chính của mình, em cũng kể về hành trình “tìm kiếm bản thân” thông qua việc thử sức với nhiều lĩnh vực khác nhau.
Em đã làm những điều tưởng chừng không bao giờ dám thử như hoàn thành vai diễn và đoạt giải trong cuộc thi tìm kiếm tài năng của trường; sẵn sàng hát tại các quán cà phê hay biểu diễn trước hàng trăm người. Ngoài ra, em cũng lập ra kênh Youtube và ghi lại những điều xảy ra trong cuộc sống hàng ngày quanh mình để chia sẻ tới mọi người.
“Tất cả những điều đó đã khiến em trở thành một phiên bản tốt nhất của chính mình”, Phong viết trong bài luận.
Năng động, tự tin, dám thể hiện mình… theo Phong, đó là những “đặc trưng” nối trội của gen Z và là những điều bản thân em luôn hướng về.
“Có một khoảng thời gian, em bị stress và luôn nghĩ mình không có khả năng. Thời điểm đó, em không thể làm được điều gì trọn vẹn. Sau đó em đã thay đổi, học cách tin tưởng vào khả năng của bản thân và không bao giờ sợ thất bại. Mọi thứ dẫn dần đã đi vào quỹ đạo như những gì em muốn”, Phong nói.
Thúy Nga