10 năm dịch SARS, còn nguyên cảm giác nguy hiểm
Trong buổi Lễ kỷ niệm 10 năm Việt Nam phòng chống dịch Sars thành công diễn ra sáng nay, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Đây là thời khắc nhớ lại giai đoạn cam go chống lại dịch Sars năm 2003, đồng thời cũng là dịp để nhắc lại những bài học thành công và kinh nghiệm quý báu từ việc khống chế thành công dịch bệnh này nhằm áp dụng vào việc phòng chống bệnh nguy hiểm và mới nổi hiện nay.
Trong tình hình dịch bệnh H1N1 và H5N1 có nguy cơ bùng phát trở lại cùng với mối đe dọa dich bệnh mới H7N9 xuất hiện thì sáng nay thì đây là sự kiện vô cùng có ý nghĩa trong thời điểm này.
Dịch Sars là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất xảy ra trong năm đầu tiên của Thế kỷ 21. Chỉ trong một thời gian ngắn, dịch bệnh đã lây lan sang 32 quốc gia và vùng lãnh thổ với 8.422 người mắc bệnh, trong đó có 916 người tử vong, du lịch thương mại trên thế giới bị ngưng trệ, ước tính dịch Sars đã gây thiệt hại 150 tỷ USD cho các nước trên toàn thế giới.
Nhìn lại dịch bệnh nguy hiểm Sars
Tại Việt Nam, có 63 bệnh nhân Sars nhiễm Sars, trong đó có 37 người là bác sỹ, y tá, cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Dịch Sars cũng đã gây thiệt hại khoảng 1,1% GDP của Việt Nam thời điểm đó.
Ngày 28/4/2003, Việt Nam được tổ chức WHO công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế được dịch Sars sau 45 ngày dịch bệnh diễn ra nguy hiểm.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho biết: Việt Nam thành công trong việc khống chế dịch Sars, đánh dấu một mốc quan trọng trong ngành y tế nước ta. Chúng ta khẳng định với bạn bè thế giới rằng, Việt Nam là nước luôn có trách nhiệm cao đối với cộng đồng quốc tế. Việc phòng chống dịch bệnh cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng quốc tế chứ không riêng một quốc gia nào. Đảng và nhà nước Việt Nam luôn coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh nguy hiểm mới nổi trên thế giới đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là cúm A H7N9 đang gia tăng từng ngày tại Trung Quốc, đồng thời chúng ta cũng đang phải đối mặt và giải quyết với cúm A H1N1, H5N1. Mặc dù đã đạt được một số thành công trong phòng chống dịch tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn về trang thiết bị, chính sách thu hút cán bộ.
Với kinh nghiệm phòng chống dịch Sars thành công cùng với sự cam kết và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, chúng ta hy vọng các dịch bệnh mới nổi ở Việt Nam sẽ được đẩy lùi như dịch Sars, Bộ Trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ Trưởng Bộ Y tế: Với kinh nghiệm phòng chống dịch Sars thành công cùng với sự cam kết và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, chúng ta hy vọng các dịch bệnh mới nổi ở Việt Nam sẽ được đẩy lùi như dịch Sars. |
Ông Takasai, Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam đưa ra 3 yếu tố làm nên thành công trong phòng chống dịch Sars ở Việt Nam năm 2003:
Thứ nhất, chính phủ Việt Nam đã đưa ra những quyết định nhanh chóng và quyết liệt.
Thứ 2, Việt Nam có đội ngũ cán bộ y tế có năng lực và có thế nhanh chóng được huy động để phòng chống dịch.
Thứ 3, Việt Nam vô cùng may mắn khi có bác sỹ Carlo Urbani – làm việc cho tổ chức WHO tại Việt Nam, người có trình độ uyên thâm và sự tự tin đã phát hiện nhanh chóng và báo cáo kịp thời về tính chất kỳ lạ và bất thường của ca mắc Sars.
Đồng thời ông cũng khẳng định bài học rút ra từ thành công của dịch Sars và các dịch bệnh khác trong 10 năm qua là cơ hội để Việt Nam tái khẳng định cam kết tiếp tục chiến đấu chống lại những dịch bệnh mới nổi hiện nay. Bên cạnh đó, Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực cố gắng để đối phó với những bùng phát dịch bệnh trong tương lai và nâng cao năng lực chuẩn đoán, điều trị, ứng phó, ngăn chặn dịch bệnh mới bùng phát.
Người trong cuộc bồi hồi nhớ lại thời gian đối mặt với tử thần
Nhớ lại những ngày tháng chống chọi với dịch bệnh nguy hiểm này, đội ngũ y bác sĩ trực tiếp chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân nhiễm Sars bồi hồi nhớ lại tâm trạng và cảm xúc của mình trong suốt 45 ngày đối phó với dịch bệnh.
PGS.TS Trịnh Quân Huấn nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Hơn 40 năm trong nghề và đối phó với nhiều dịch bệnh nhưng chưa có dịch bệnh nào lại căng thẳng, phức tạp và nguy hiểm đến thế, thời gian đầy áp lực và hoang mang.
Từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần đã có hơn 30 người nhiễm Sars trong bệnh viện Việt- Pháp. Ở Việt Nam, giai đoạn đó khi giám sát bệnh nhân bác sĩ không dám về nhà, thay quần áo tại cơ quan, bị cách ly hoàn toàn.
PGS.TS Trịnh Quân Huấn nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Hơn 40 năm trong nghề và đối phó với nhiều dịch bệnh nhưng chưa có dịch bệnh nào lại căng thẳng, phức tạp và nguy hiểm đến thế! |
Nhớ lại quyết định đóng cửa bệnh viện để cách ly, hạn chế sự lây lan sang cộng đồng, PGS.TS Võ Văn Bản, PTGĐ Bệnh viện Việt – Pháp kể lại:
Khi quyết định đóng cửa toàn bệnh viện để thực hiện cách ly cũng gặp rất nhiều khó khăn, không tiếp nhận bệnh nhân đồng nghĩa với việc không còn kinh phí hoạt động. Lúc đó đội ngũ y bác sĩ tự nuôi mình và phục vụ bệnh nhân. Người tiếp xúc với bệnh nhân lúc đó không được về, không được ra khỏi cộng đồng mà mọi giao dịch lúc đó chỉ thực hiện qua điện thoại vì phải cách ly hoàn toàn. Sau 10 năm, đến bây giờ nhìn lại vẫn không quên được cảm giác nguy kịch đó. Nhưng cũng trong thời gian khó khăn này mới thấy được tinh thần đoàn kết và tận tụy của đội ngũ y bác sĩ.
Tại buổi lễ, một điều dưỡng của bệnh viện trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân Sars cho biết: Trong những ngày tháng nguy hiểm,căng thăng đó, đội ngũ y bác sĩ nói riêng và những người làm công tác điều dưỡng nói chung rất cố gắng, không ai sợ sệt vì khi đã xác định làm công việc chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm thì không còn cảm giác sợ hãi nữa.
"Khi bắt gặp những ánh mắt cầu cứu của bệnh nhân, đôi mắt mong mỏi sự sống, ánh mắt buồn, cô đơn vì không có người thân chăm sóc thì thương lắm! Lúc đó bằng tình thương với người bệnh, bằng tấm lòng yêu thương và cái tâm của người thầy thuốc chúng tôi cố gắng hết sức để chăm sóc và cứu chữa những bệnh nhân", cô điều dưỡng tâm sự.
Trong tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, Phó chủ tịch nước chỉ đạo: Bộ Y tế đúc rút kinh nghiệm từ việc phòng chống dịch Sars để chuẩn bị cho công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay, không để đến lúc xảy ra dịch bệnh mới triển khai phòng chống. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các Bộ ngành trong phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền phổ biến cho toàn dân kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh.