Xử vụ “bầu” Kiên: Luật sư "cãi" rằng ACB không thiệt hại
Bị cáo Phạm Trung Cang |
Luật sư Phạm Danh Tín bào chữa cho các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang, nguyên phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB, về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà Viện kiểm sát (VKS) đã cáo buộc.
Luật sư Tín nói: "Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và quá trình thẩm vấn công khai, nghe quan điểm của đại diện VKS và các luật sư (LS) đồng nghiệp, tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của các LS đồng nghiệp. Tôi không đồng ý với cáo buộc của cáo trạng và kết luận của VKS về việc Kỳ, Quang, Cang phạm tội Cố ý làm trái, vì cáo buộc và kết luận này chưa hội đủ cơ sở pháp lý".
Theo luật sư Tín, Điều 165 BLHS quy định về tội làm trái nêu rõ: người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái quy định nhà nước gây thiệt hại, hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử phạt theo chế tài, như vậy áp dụng với người có chức vụ quyền hạn và lợi dụng để làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi của người phạm tội về chủ thể là người có chức vụ quyền hạn; nhận thức rõ hành vi của mình trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, biết rõ là gây thiệt hại nhưng bỏ mặc; lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế, biết là trái mà vẫn làm; phải có hậu quả, thiệt hại xảy ra và hành vi thiệt hại đó có mối quan hệ với nhau.
Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa |
Cũng theo luật sư Tín, VKS cáo buộc, Nghị quyết của thường trực HĐQT về việc ủy thác gửi tiền được ban hành năm 2010 mặc dù ngân hàng chưa có hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước (NHNN) là vi phạm điều 106, gây thiệt hai 718 tỷ. "Tôi không đồng ý với kết luận này, vì lỗi và hành vi khách quan của tội phạm, ký nghị quyết ngày 22/3/2010 luật chưa có hiệu lực và chưa thông qua. Tại thời điểm này luật tổ chức tín dụng 1997 và sửa đổi 2004 đang có hiệu lực: tổ chức tín dụng được quyền ủy thác, nhận ủy thác liên quan hoạt động ngân hàng. Năm 2011 luật tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực thì hợp đồng ủy thác được cho phép tại chính Điều 106, đồng thời không có bất cứ văn bản pháp luật nào về việc cấm ủy thác cho các cá nhân. Tại thời điểm ký vào nghị quyết, các thành viên thường trực HĐQT không thể biết được việc làm của họ trái với Điều 106, vì lúc đó luật còn chưa thông qua.
Khi luật này có hiệu lực thì Điều 106 cũng không quy định việc các tổ chức tín dụng không được ủy thác cho các cá nhân gửi tiền. Đại diện NHNN cũng khẳng định công văn 350 trả lời cơ quan CSĐT về việc ủy thác cho cá nhân gửi tiền chỉ mang tính tham khảo, để xác định có đúng pháp luật không còn nhiều yếu tố khác".
“Thân chủ của tôi không có ý thức làm trái quy định nào và hành vi của họ cũng không vi phạm Điều 106”, luật sư Tín nói.
Theo ông Tín, hậu quả của hành vi này là số tiền gửi tại VietinBank đang được xét xử ở vụ án khác nên không đủ cơ sở cho rằng Ngân hàng ACB (ACB) thiệt hại số tiền 718 tỷ đồng này. Hành vi làm trái phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả thiệt hại 718 tỷ đồng, đây không phải là nguyên nhân trực tiếp mà do Huyền Như cán bộ Vietinbank dùng thủ đoạn gian dối để lấy tiền.
Về hành vi đầu tư mua cổ phiếu, gây thiệt hại 687 tỷ đồng, theo ông Tín, về chủ trương tại cuộc họp 2/11/2009 có nội dung giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư cổ phiếu có giá tốt, tính thanh khoản cao, nên HĐQT ủy quyền ông Kiên chỉ đạo trực tiếp. So sánh chủ trương với quyết định của Bộ tài chính, chủ trương này không có bất cứ nội dung nào vi phạm Điều 29 của quyết định Bộ tài chính. Thực hiện các chủ trương của thường trực HĐQT nên Cty ACBS hợp tác Cty ACI và Cty ACI HN đã đầu tư cổ phiếu, theo đúng quy định pháp luật. Ngay khi biết đầu tư này, Cty ACBS đã yêu cầu Cty ACI và Cty ACI HN loại bỏ Ngân hàng ACB ra khỏi danh mục đầu tư. Và các Cty này đã trả lại Cty ACBS toàn bộ số tiền mà ACBS đã chuyển góp đầu tư. Vậy Cty ACBS không có thiệt hại nào, đồng nghĩa với ACB không có thiệt hại nào.
“Theo quan điểm của tôi, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của LS đồng nghiệp, việc cáo buộc của cáo trạng số 10 mà VKS đã quy kết hành vi của Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang phạm tội cố ý làm trái theo điều 165 BLHS là không hội đủ cơ sở pháp lý. Phạm tội thì phải bị trừng phạt là điều tất yếu, hình phạt còn có tính chất ngăn ngừa và giáo dục chung đối với tội vi phạm trật tự kinh tế. Tôi chia sẻ với VKS về tình hình kinh tế xã hội hiện nay, có cả 1 rừng luật song vẫn chưa được quy hoạch khoa học và thiếu hướng dẫn thi hành. Hiến pháp mới hiệu lực từ 1/1/2014 nhưng các luật khác chưa được thông qua. Sự phán xét công minh là tiền đề tốt hoặc tiền lệ xấu trong thực thi pháp luật trong thời gian tới. Nguyên tắc chung công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, điều này không những được ghi nhận trong văn bản pháp luật của ta mà là 1 thông lệ kinh tế trong hoạt động kinh doanh".
Cũng trong buổi sáng nay, LS Huỳnh Mạnh Tuấn cũng đã bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ. Theo luật sư Tuấn, bị cáo Kỳ không có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước và không cố ý làm trái chỉ là cá nhân kinh doanh, mong HĐXX xem xét.
Infonet tiếp tục thông tin phiên tòa...