Xóa sổ hộ khẩu thì đơn giản, giải quyết các thủ tục liên quan có dễ?
27 thủ tục hành chính đang được quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Việc xóa sổ hộ khẩu sẽ mang lại lợi ích gì? Giải quyết những vấn đề liên quan như thế nào?
Đọc tờ trình dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) chiều 23/5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, dự thảo sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chuyên viên văn phòng UBND phường 4, quận Tân Bình (TP.HCM) tư vấn hướng dẫn cách thức nhập hộ khẩu cho người thân. (Ảnh: Tự Trung) |
Trao đổi với PV về nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho rằng: “Việc bỏ Sổ hộ khẩu giấy là góp phần tiến tới công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân.
Tuy nhiên, với sự tồn tại hơn 70 năm, hệ thống quản lý xã hội thông qua Sổ hộ khẩu chứa đựng những mối quan hệ pháp luật cực kỳ phức tạp. Qua rà soát sơ bộ, Ủy ban Pháp luật nhận thấy có 27 thủ tục hành chính đang được quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Vì thế, pháp luật cũng cần có nhiều thay đổi đồng bộ để phát huy vai trò tích cực về quyền cư trú của công dân”.
Luật sư Diệp Năng Bình trao đổi với phóng viên. |
Luật sư Bình phân tích: “Báo cáo thẩm tra cho rằng việc xóa đăng ký thường trú như dự thảo luật sẽ khắc phục tình trạng quản lý cư trú ảo. Tuy nhiên, tôi không tán thành quy định nêu trên. Cư trú là quyền cơ bản của công dân, xóa đăng ký thường trú có thể tác động tiêu cực tới quyền lợi của người dân. Bởi xóa thì đơn giản, nhưng thực tế để nhập lại được hộ khẩu đã bị xóa thì không hề dễ chút nào. Hơn nữa, cần phải so sánh cái lợi và cái hại nếu xóa đăng ký thường trú. Nếu thực sự dễ dàng đăng ký lại hộ khẩu thường trú thì việc cơ quan chức năng xóa tên người đó đi liệu có tác dụng gì, giải quyết được vấn đề gì?
Có chăng việc xóa tên chỉ có tác dụng răn đe những người thiếu ý thức khi không khai báo tạm vắng. Tuy nhiên, khi đăng ký lại hộ khẩu thường trú sẽ gặp khó khăn. Nếu vì ý thức người dân khi đi khỏi địa phương không khai báo tạm vắng và khi đến nơi mới không đăng ký tạm trú thì chỉ cần xử phạt hành chính là đủ. Còn vì mục đích quản lý để đảm bảo an ninh, trật tự thì việc xóa hộ khẩu lại càng gây phức tạp hơn cho việc quản lý”.
Luật sư này nêu quan điểm: "Cực chẳng đã người dân mới phải tha phương cầu thực. Quyền tự do cư trú của công dân cũng đã được pháp luật bảo vệ. Chúng ta cần thay đổi Sổ hộ khẩu bằng phương thức quản lý hợp lý hơn, tiện lợi hơn cho người dân đi lại, sinh sống, học tập.
Ở các nước, họ không quản lý bằng Sổ hộ khẩu mà bằng nhiều cách như thông qua số an sinh xã hội, thẻ thuế, căn cước điện tử, hộ chiếu, bằng lái xe…, tiện lợi hơn nhiều mà vẫn đảm bảo hết sức chặt chẽ. Hơn nữa, một khi đã bỏ Sổ hộ khẩu thì không lý do gì chúng ta phải xóa đăng ký thường trú như dự thảo".
Phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Thống kê đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân (dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam). Dự thảo đề xuất tháng 7/2021 sẽ bỏ sổ hộ khẩu, do đó, cần có giải pháp khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.
“Khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân. Các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế các sổ này trong việc chứng minh quan hệ hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân, giải quyết thủ tục hành chính để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước”, luật sư nêu quan điểm.
Tiến Anh