Xin nghỉ hưu sớm về quê nuôi hàng nghìn con thỏ, mỗi năm anh nông dân ở Hải Dương lãi 700 triệu đồng
Nuôi 3.000 con thỏ các loại, anh Lê Quang Hãnh ở Thanh Miện, Hải Dương cho biết, mỗi năm thu lãi trên 700 triệu đồng.
Đang hưởng mức lương ổn định 20 triệu đồng/tháng ở mỏ than Hòn Gai, Quảng Ninh, nhưng máu làm giàu thôi thúc anh Lê Quang Hãnh thôn Từ Ô, xã Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương xin nghỉ hưu sớm về quê khởi nghề chăn nuôi thỏ. Sau gần 10 năm chuyển nghề, anh Hãnh đã sở hữu 3.000 con thỏ với lợi nhuận 700 triệu đồng mỗi năm .
Anh Hãnh chia sẻ, anh quyết định chọn con thỏ làm đối tượng khởi nghiệp làm giàu, vì thỏ là loài dễ nuôi, mắn đẻ, ít dịch bệnh, giá bán ổn định, ít tốn công lao động, hiệu quả chăn nuôi cao và chưa có nhiều người quan tâm phát triển nuôi thỏ.
Mặt khác, thịt thỏ có thể chế biến được rất nhiều món ăn khoái khấu, hút khách tiêu dùng như, sào lăn, tái chanh, chiên dừa, chiên lá lốt, rang muối, giả cày, giả mèo, om giềng, om khế, om cari và luộc, hấp, lẩu, quay,…
Quay trở lại cách đây gần 10 năm, ngay khi lĩnh tiền bảo hiểm nhà nước trả "một cục" cho những năm công tác, kết hợp vay mượn thêm của người thân, anh Hãnh gom lại toàn bộ diện tích canh tác lúa của nhà và nhượng thêm ruộng khoán của một số hộ không có nhu cầu sử dụng được trên 1ha, rồi cải tạo lại thành trang trại VAC, trong đó, khu vực dành cho nuôi thỏ rộng 500m2.
Không ngờ, chỉ với 50 con thỏ giống ban đầu mua từ Trung tâm Dê, thỏ Sơn Tây (Viện Chăn nuôi), sau 3 năm khai thác mở rộng qui mô chăn nuôi, anh Hãnh đã phát triển được 3.000 con thỏ các loại, bao gồm hơn 400 thỏ bố mẹ, 300 thỏ nuôi hậu bị và 2.300 thỏ nuôi chuyên thịt.
Nhờ vậy, từ năm 2016 đến nay, "đều như vắt tranh", tháng nào anh Hãnh cũng xuất chuồng được 600 - 650 con thỏ các loại, trừ hết chi phí chăn nuôi đầu vào, vẫn dư ra 60 triệu đồng 1 tháng, tương đương 720 triệu đồng/năm.
Theo anh Hãnh, thỏ là loài ăn tạp, các loại rau, củ, quả từ phụ phẩm nông nghiệp như lá chuối, lá ổi, khoai lang, rau muống, cà rốt, su hào, bắp cải, cám ngô, cám gạo, bã rượu, bia… đều có thể làm thức ăn cho thỏ.
Tuy nhiên, anh Hãnh lưu ý nên ưu tiên dùng các loại thức ăn do mình tự trồng hoặc những ruộng sản xuất hữu cơ, VietGAP rồi mới đến các loại rau củ sản xuất chính vụ, nhằm kiểm soát chất lượng thức ăn đầu vào, tránh thu gom phải các rau quả còn tồn dư thuốc phòng trừ sâu bệnh, gây tổn hại tới đàn thỏ.
Về trị bệnh cho thỏ, theo anh Hãnh cơ bản là phòng từ xa, bao gồm vệ sinh chuồng trại, đồ dùng ăn uống đảm bảo luôn sạch sẽ. Các loại thức ăn đều phải khô ráo và thơm mới. Cần tàm vacxin ngừa tụ huyết trùng và xuất huyết truyền nhiễm đúng lịch. Làm đệm lót sinh học để khử mùi khai từ chất thải của thỏ.
Khi thỏ bị đầy bụng hoặc tiêu chảy dùng các thảo dược (tỏi nướng, lá nhọ nồi) điều trị trước, nếu bệnh chuyển biến nặng hoặc có nguy cơ lây lan rộng, mới sử dụng kháng sinh (Clorocid hoặc Steptomycin) khống chế. Kiểm tra thay thế kịp thời những thỏ mẹ đẻ kém, ít sữa, nuôi con vụng, còi cọc, tỷ lệ hao hụt chăn nuôi cao.
Theo kinh nghiệm của anh Hanh, khi chọn giống thỏ nuôi hậu bị phải chọn những con nhanh nhẹn, thân dài, háng rộng, mặt mũi sáng sủa và không nấm ghẻ. Chọn giống đúng kỹ thuật, một thỏ cái sẽ khai thác 15 lứa thỏ con mới phải thay giống, nhưng mỗi lứa phải đẻ được từ 4-5 con trở lên, dưới ngưỡng này cần loại ra làm thỏ thịt. Để thỏ mẹ đẻ nhiều con/1 lần sinh cần phối giống nhắc lại lần 2 sau lần 1 từ 4-6 giờ.
“Thỏ con thương phẩm nuôi từ tách mẹ đến xuất chuồng khoảng 3 tháng, cho khối lượng đạt 2,2 - 2,5kg, chi phí hết 55.000 - 60.000 đồng tiền thức ăn, bán được 180.000 - 200.000 đồng, trừ cả hao hụt con giống trong quá trình chăn nuôi, vẫn lãi được 30.000 đồng/1 con/1 tháng. Chỉ nuôi 100 con cũng có thêm thu lãi 3 triệu đồng/tháng” Anh Hãnh tâm sự.
Về quê, bán hết vàng cưới, cặp vợ chồng trẻ trồng bưởi sinh thái, nuôi ong làm giàu
Vừa học xong đại học, Trần Huyền Ân (Phú Yên) theo chồng về Hà Tĩnh lập nghiệp trồng giống bưởi Phúc Trạch với mô hình trồng sinh thái.
Theo nongnghiep.vn