Xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2022 có gì mới, học ngành báo in 'lỗi mốt' không?
Mới đây, trong buổi tư vấn “Chọn chuẩn trường – đi chuẩn đường”, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy - Học viện Báo chí vàTuyên Truyền đã chia sẻ về công tác tuyển sinh năm 2022 tại trường.
Chia sẻ về phương án tuyển sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó trưởng Ban Quản lý đào tạo cho biết, hiện nay phương án vẫn đang dừng lại ở bước dự thảo nhưng về cơ bản năm nay Học viện vẫn giữ ổn định về phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh, hạn chế tối đa xáo trộn với thí sinh.
“Điểm mới trong dự thảo phương án tuyển sinh năm nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền xác định rõ chỉ tiêu theo từng phương thức để thí sinh có căn cứ lựa chọn phương án xét tuyển của mình, điểm khác là Học viện không tổ chức thi năng khiếu báo chí.
Năm nay hội đồng tuyển sinh nhà trường cân nhắc nhiều khi quyết định không tổ chức thi năng khiếu báo chí nhưng có thể sang năm sẽ tổ chức vì việc thi năng khiếu giúp Học viện chọn được những thí sinh đủ năng lực phù hợp với việc đào tạo lĩnh vực báo chí.
Một điểm lưu ý nữa là năm nay phương thức xét tuyển cả xét học bạ hay xét điểm tốt nghiệp THPT vào Học viện với môn Văn đều nhân hệ số 2 nên thí sinh nên lưu ý điều này để tăng điểm xét tuyển tối đa của mình với ngành báo chí”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy cũng lưu ý về đối tượng xét học bạ vào Học viện: Tiêu chuẩn với học sinh trường chuyên, trường năng khiếu chỉ đưa ra trong năm đầu tiên xét học bạ, năm 2022 thí sinh nào cũng có thể đăng ký xét học bạ vào trường.
“Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa chốt quy chế tuyển sinh đại học 2022 và chưa thống nhất lịch trình nên năm nay đăng ký xét tuyển có thể diễn ra tại trường THPT. Và trên hệ thống của Bộ GD&ĐT đã có sẵn điểm học bạ của thí sinh nên chỉ cần đăng ký, Bộ GD&ĐT sẽ chia sẻ dữ liệu cho Học viện về những thí sinh xét tuyển vào Học viện.
Vì thế năm náy thí sinh không phải nộp hồ sơ và thi xong tốt nghiệp THPT thí sinh mới tiến hành đăng ký nguyện vọng.
Năm nay Bộ tăng cường công tác lọc ảo, mọi năm thí sinh có thể đỗ bằng các phương thức xét tuyển và có quyền chọn nguyện vọng để xác nhận nhập học và mỗi trường đưa ra hạn xác nhận nhập học.
Thế nhưng, nhưng năm nay việc đăng ký xét tuyển sẽ thực hiện toàn bộ trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, và tất nhiên thí sinh phải học ngành mà mình trúng tuyển đầu tiên theo thứ tự ưu tiên đăng ký nguyện vọng.
Tôi nói thế để thí sinh chú trọng trong việc cân nhắc ưu tiên thứ tự nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển, thí sinh phải lưu ý khi sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên vì nếu lỡ đỗ ngành không yêu thích nhưng thứ tự ưu tiên đầu tiên thì mặc nhiên đỗ là phải học”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy cho hay.
Muốn vào Học viện báo chí thí sinh cần lưu ý một số yêu cầu. |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy cũng đưa ra lưu ý với ngành quay phim truyền hình thí sinh phải có thể lực tốt, chiều cao tương đối nếu không sẽ khó chen qua biển người quay được hình ảnh ưng ý, cũng phải di chuyển với tốc độ nhanh vượt lên ghi được những khoảnh khắc đẹp như yêu cầu nghề nghiệp.
"Còn với ngành báo in, thí sinh cứ yên tâm là ngành này sẽ không bị "lỗi mốt" vì đó là ngành tạo nền tảng nhất định mở rộng là báo chí tích hợp phù hợp với xu thế hiện nay.
Chọn ngành theo đam mê hay theo cơ hội nghề nghiệp?
Chọn ngành học theo đam mê của bản thân hay theo xu hướng của xã hội, từ lâu đây đã luôn là vấn đề được đặt ra bàn luận mỗi khi mùa tuyển sinh tới.
Việc chọn ngành học đúng ở đại học luôn không phải là điều dễ dàng với bất kỳ ai, đặc biệt là với những học sinh cuối cấp THPT khi đứng giữa ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời này.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ, có một thực tế là khi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh nhiều bạn cho biết học ngành nào cũng được miễn là đại học, có những bạn chọn ngành theo định hướng của bố mẹ, có những bạn lại chọn theo bạn bè.
“Có những học sinh khi quyết định chọn ngành không có định hướng cá nhân, các bạn không quan tâm đến sở trường cũng như đam mê của bản thân hay các nhân tố chủ quan, khách quan giúp bản thân hoàn thành chương trình đó... và đó là điều đáng tiếc.
Tôi luôn chia sẻ và động viên các học sinh là bản thân các em phải biết mình muốn gì, yêu thích gì vì các em hãy hình dung nghề nghiệp tức là công việc của chính các em trong tương lai.
Trong khi đó, công việc đó gắn với bản thân chúng ta suốt đời, trong khi nếu đó là nghề nghiêp mình không yêu thích khì chính các em sẽ không có năng lượng cống hiến cho công việc, thiếu mất đam mê và quan trọng là cuộc đời sẽ thấy nhàm chán”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy nói.
Hoàng Thanh