Xe tăng Armata của Nga sẽ sẵn sàng tham chiến vào năm 2020
“Armata sẽ trải qua một cuộc kiểm tra kỹ thuật. Sau đó, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định thử nghiệm hoạt động và bàn giao cho quân đội hay không. Cuộc kiểm tra trên sẽ hoàn thành vào năm 2016”, ông Salyukov cho biết.
Xe tăng Armata trong lễ diễu binh kỷ niệm chiến thắng Phát xít tại Nga ngày 9/5. |
Tuy nhiên, ông Salyukov nhấn mạnh rằng kế hoạch thay thế 70% số xe tăng cũ bằng loại xe Armata vào năm 2020 vẫn sẽ được tiến hành như đã định. Đến năm 2020, Nga sẽ sản xuất được 2.300 T-14 để thay thế các mẫu xe tăng T-72 và T-90 đã cũ. Giá thành của mỗi chiếc T-14 dự kiến sẽ vào khoảng 8 triệu USD.
Thêm vào đó, TASS nói rằng xe tăng T-14 sẽ được trình bày tại Triển lãm Khí tài Nga (RAE-2015), được tổ chức tại thành phố Nizhny Tagil ở vùng Ural ở Nga vào tháng 9 tới.
Cưu Chỉ huy Lục quân NATO, Trung tướng Ben Hodges trả lời trong một buổi phỏng vấn với TASS vào tháng 6/2015 rằng “xe tăng Armata có vẻ là một loại vũ khí lợi hại”. Tuy nhiên, tính năng của nó hiện vẫn chưa được kiểm chứng.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin khẳng định rằng đạn pháo của Armata “có thể xuyên qua lớp thép dày 1m”. Vũ khí chính của xe tăng này là một khẩu pháo 2A82 cỡ nòng 125mm, được cho là có sức công phá lớn hơn khẩu Rheinmetall 120mm của xe tăng Leopard-2 cua Đức. Xe tăng cũng được trang bị hệ thống nạp đạn tự động và có thiết bị ngắm bắn hoàn toàn bằng máy tính.
Phó giám đốc của công ty Uralvagonzavod, nhà sản xuất xe Armata và là hãng xe tăng lớn nhất trên thế giới đã khẳng định rằng T-14 sẽ có thể tàng hình trước rađa của đối phương.
Chiếc xe tăng cũng được lắp đặt một loại giáp phản ứng nổ (ERA) mà theo một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, “chưa có sản phẩm tương tự trên thế giới”.
Hiện những gì biết được về xe tăng T-14 là rất ít. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là chi phí sẽ trở thành yếu tố lớn nhất có thể cản trở đến hoạt động sản xuất hàng loạt của T-14. Việc xe tăng này đã từng bị chết máy trước khi tham gia cuộc diễu binh ngày 9/5 càng khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng của nó.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.