Xe bus hoạt động lại, hành khách làm gì để đảm bảo an toàn?
Cửa đóng kín, bật điều hoà trên xe bus là môi trường thuận lợi cho sự lây nhiễm Covid- 19. Làm thế nào để đảm bảo an toàn khi sử dụng phương tiện công cộng này?
Xe bus hoạt động lại, hành khách làm gì để đảm bảo an toàn? |
Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tất cả các tuyến bus trên địa bàn TP Hà Nội và 72 tuyến ở TP HCM đã hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, các cửa trên xe bus thường được đóng kín và bật điều hoà. Đây là môi trường thuận lợi hơn cho sự lây nhiễm Covid- 19. Vậy làm thế nào để đảm bảo an toàn khi sử dụng phương tiện công cộng này?
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cấp cao Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế Việt Nam cho biết, Covid-19 lây theo hình thức tiếp xúc gần, lây theo giọt bắn. Môi trường xe là môi trường kín, vì thế khi chúng ta hắt hơi, virus rơi xuống mặt ghế, nền xe không nhanh như môi trường thoáng, cộng thêm nhiệt độ thấp khiến môi trường xe bus là môi trường thuận lợi hơn cho sự lây nhiễm so với môi trường bên ngoài không khí thoáng đạt hơn.
Tuy nhiên, ông Phu nhấn mạnh nói như thế không có nghĩa đi xe bus là mất an toàn, mà chúng ta vẫn vẫn có hình thức để đảm bảo an toàn cho người dân sử dụng phương tiện công cộng này. Bởi đây là loại hình giao thông công cộng rất cần thiết cho người dân khi chúng ta không thực hiện giãn cách xã hội.
“Tôi được biết ngành giao thông vận tải đã đưa ra nhiều khuyến cáo phù hợp như ngồi số ghế cách nhau để đảm bảo giãn cách, hằng ngày lau chùi ghế, tay nắm bằng chất sát khuẩn, đặc biệt là đeo khẩu trang từ hành khách, đến nhân viên. Tôi đi xe tôi cũng thấy nhân viên nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch”, TS Phu nói.
Ngoài ra theo ông nên bố trí đủ xe trong giờ cao điểm (giờ đi làm, đi về) để tránh áp lực dồn chuyến, đảm bảo đúng sự giãn cách ngồi trong xe bus. “Nếu chúng ta mở được cửa để xe thông thoáng khí, không điều hòa thì là việc rất tốt trong việc phòng chống các bệnh lây qua đường hô hấp trong đó có virus SARS-CoV-2”, TS Phu nói.
Virus SARS-CoV-2 nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ , tia cực tím, “sợ” gió, “sợ” môi trường thông thoáng khí. Tại Việt Nam, để phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế cũng lưu ý hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ, tăng cường mở các cửa để không gian thoáng đãng là lưu ý được Bộ Y tế cảnh báo với người dân.
Đối với hành khách đi phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo:
1. Khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở nên hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
2. Sử dụng khẩu trang đúng cách khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở.
3. Che kín miệng, mũi bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi. Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào túi đựng rác kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định.
4. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng (nếu có) hoặc bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa trên 60% nồng độ cồn đặc biệt sau khi: ho, hắt hơi; thải bỏ khăn giấy; rời khỏi phương tiện giao thông.
5. Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế ăn uống, nói chuyện ở trên phương tiện giao thông.
6. Không khạc nhổ trên phương tiện giao thông và nơi công cộng (ga tàu, bến xe, sân bay, nhà ga,…).
7. Nếu thấy bản thân hoặc hành khách cùng đi có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở nên thông báo ngay cho người quản lý phương tiện để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
8. Tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho hoặc sốt, khó thở đi cùng phương tiện giao thông.
9. Khi kết thúc chuyến đi, nếu có xuất hiện một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở: Liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế (19009095 hoặc 19003228) để được tư vấn và cung cấp thông tin liên quan đến phương tiện giao thông bạn đã đi. Đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
N. Huyền