Xây dựng mạng lưới y tế cơ sở với đề án khám chữa bệnh từ xa
Theo Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 của Bộ Y tế, các cơ sở y tế trên cả nước góp phần giảm sự chênh lệch về chuyên môn các tuyến và người dân được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết.
BS Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu khám chữa bệnh cho người dân. |
Đa dạng hội chẩn trực tuyến
Dịch vụ khám chữa bệnh đang có những chênh lệch nhất định về trình độ chuyên môn giữa các tuyến. Đó là một trong những lý do người dân khắp nơi đổ xô lên tuyến trung ương và dẫn đến vô số hệ lụy: Quá tải, nằm ghép, phí ngầm để được mổ sớm hay chỉ là để hi vọng được điều trị tốt hơn.
Từ nhiều năm nay, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở như đưa y bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới, đào tạo liên tục để cải thiện chất lượng chuyên môn… Tuy nhiên, hạn chế của các chương trình này là bác sĩ phải đi tăng cường cho cơ sở nhiều tháng trời, trong khi bệnh viện trung ương cũng đang bị quá tải, từ đó chương trình khám chữa bệnh từ xa ra đời.
Đề án xây dựng theo nguyên tắc các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới. Trong đó, bệnh viện viện tuyến Trung ương phối hợp với bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện.
GS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ từ nhiều năm nay, nhằm hỗ trợ các ca bệnh khó ở tuyến dưới, các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi của Bệnh viện E đã thực hiện tư vấn khám, chữa bệnh, hội chẩn từ xa với các bác sĩ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại, zalo, viber… để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu và kịp thời nhất cho người bệnh.
Từ đó đã giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, sọ não, thần kinh, sản khoa… của Bệnh viện E và các bệnh viện vệ tinh.
GS Thành cho biết thông qua Dự án Khám, chữa bệnh từ xa bệnh viện E, giai đoạn 2020-2025, bệnh viện chú trọng các công tác như hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa các phương pháp điều trị cho ca bệnh cụ thể giữa các cơ sở y tế. Hội chẩn, tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa: Chia sẻ hình ảnh X-quang, siêu âm, điện tim, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, tư vấn giải phẫu bệnh, miễn dịch, huyết học - truyền máu, vi sinh, hóa sinh để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo, phẫu thuật từ xa các mổ phiên, mổ cấp cứu; đặc biệt, truyền thông cho người dân, khuyến khích sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa…
Mọi người dân đều hưởng dịch vụ y tế tốt nhất
PGS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”.
Đề án đề ra mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Nếu như trước đây, các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới thì hiện nay, đề án này sẽ mở rộng theo mô hình 1-1 để mang lại hiệu quả nhiều hơn. Khi tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới, tất cả bệnh viện tuyến dưới có kết nối hệ thống Telehealth đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi, học tập và nâng cao chuyên môn, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới.
Hiện Bộ Y tế đã kết nối 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa. Toàn bộ 63 tỉnh thành đã có bệnh viện đăng ký. Có một số bệnh viện của nước bạn Lào (2 bệnh viện) và Cam-Pu- Chia (1 bệnh viện) đã đăng ký tham gia làm bệnh viện tuyến dưới. Nhiều bệnh viện/trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cũng đã đăng ký tham gia Đề án.
Khánh Chi