Vụ yêu cầu học sinh cởi đồ kiểm tra: Bài học đắt giá của người thầy

Từ việc một giám thị yêu cầu học sinh cởi đồ để kiểm tra thuốc lá điện tử, các nhà giáo cho rằng làm công tác giáo dục ở vị trí nào, bao nhiêu tuổi đời cũng cần sự bình tĩnh. Ở bất cứ tình huống nào, giáo dục cũng phải bằng sự chia sẻ và bao dung.

Yêu cầu 8 học sinh cởi đồ chỉ vì nghi ngờ các em giấu thuốc lá điện tử, giám thị ở Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner (Gò Vấp, TP.HCM), đã nhận khuyết điểm và chủ động xin nghỉ việc. Khi làm việc với ban giám hiệu trường, thầy giáo trẻ khóc rất nhiều.

Chiều 17/4, thầy đã nói lời chia tay học sinh, nhà trường sau sự việc gây ồn ào. Đây được xem là bài học đắt giá cho người giáo viên khi vừa bước chân vào con đường sư phạm.

Chia sẻ với VietNamNet, thầy Nam, giáo viên ở quận Gò Vấp, TP.HCM, cho rằng đây là việc không đáng có, xảy ra trong môi trường giáo dục. Thầy giáo đã hành động quá nóng vội. Trong trường hợp này, nếu học sinh vi phạm, thầy cũng không được phép sử dụng phương pháp trên.

Theo thầy Nam, phương pháp giáo dục hoàn hảo nhất là khuyên bảo học sinh. Nếu học sinh tái phạm, giáo viên có thể thông báo tới phụ huynh hay người giám hộ để phối hợp giáo dục các em. Đồng thời, thầy cô cũng nên có cách thức để định hướng trò một cách phù hợp. 

“Tôi nghĩ rằng, trong trường học, gần như học sinh nào cũng sẽ vi phạm, cũng có khuyết điểm. Nếu cứ vi phạm khuyết điểm đều phạt các em, có thể phải phạt suốt giờ học và thời gian đâu để dạy học?", giáo viên này phân tích.

Từ thực tế, thầy Nam chia sẻ không ít học sinh thời phổ thông nghịch ngợm, quậy phá nhưng khi lên cao đẳng, đại học có thể các em lại học tốt hơn. Thậm chí, không ít em đã đạt được thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Do vậy, thiên chức của người thầy là nghiêm khắc nhưng cũng phải đầy bao dung và vị tha với học sinh.

 Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner (Ảnh: Facebook nhà trường)


Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP.HCM) cho rằng giám thị là bộ phận quan trọng trong trường học. Cũng có thể nói họ là cánh tay nối dài của nhà trường trong công tác giáo dục và giữ gìn an ninh trật tự.

Mọi vi phạm của học sinh, giám thị phải nắm trước tiên và có phản hồi đến ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm hoặc phối hợp với phụ huynh để giải quyết.

Tuy nhiên, vi phạm phải được giải quyết trên tinh thần giáo dục, làm sao để học sinh nhận thức được hành vi của mình là sai. Từ hành vi sai của học sinh, người thầy hướng các em đến những điều đúng đắn. Như vậy, giáo dục phải trên tinh thần tích cực, bao dung, vị tha chứ không thể cứng nhắc.

Theo ông Phú, việc xâm phạm, tác động tới tâm lý học sinh là sai hoàn toàn. “Một lời nói nặng cũng sẽ làm tổn thương một đứa trẻ. Việc thầy giáo để học sinh cởi đồ để kiểm tra các em có mang dụng cụ hút thuốc lá điện tử hay không khá phản cảm”- ông Phú nói.

Ông Phú nhìn nhận trong trường hợp này, thầy giám thị còn rất trẻ, nên có sự nóng vội. Nhưng làm công tác giáo dục, ở vị trí nào, bao nhiêu tuổi đời, cũng cần bình tĩnh và hiểu luật. Vì nếu sai, trước hết bản thân nhà giáo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thứ hai, nếu xử lý không có lý, không có tình, sẽ làm tổn thương học trò. Luật nước ta chưa cấm thuốc lá điện tử nhưng các trường học đều cấm học sinh sử dụng bởi nó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của các em.

Do vậy, nhà trường chỉ khuyến cáo, tuyên truyền để học sinh tránh sử dụng. Chúng ta không thể dùng quyền hạn của một người thầy để phạt các em.

Học trò ngày nay trưởng thành với nhận thức nhanh nhạy do các em được tiếp cận truyền thông, công nghệ từ rất sớm. Các thầy cô cũng trang bị kiến thức pháp luật, tình huống sư phạm, giao tiếp sư phạm để theo kịp sự phát triển của các em.

Ngoài ra, ở bất cứ tình huống nào, giáo dục bằng tình cảm, sự chia sẻ, bao dung sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn là dùng đòn roi, nhục hình. “Đây là bài học lớn cho ngành giáo dục trong việc đối xử với học trò”- ông Phú nói.

Đối với giám thị ở Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner, ông Phú đánh giá, thầy tự làm đơn xin nghỉ việc, cho thấy đã nhận ra sai lầm của mình, trả giá ít nhất là mất việc trong thời điểm hiện tại. Đây cũng là bài học không riêng cho người thầy, mà cả các giáo viên khác.

“Thầy giáo còn trẻ, còn nhiều cơ hội để khắc phục sai lầm”, ông Phú nói. Hiệu trưởng này cũng tin rằng: “Thầy giám thị sẽ có hành trình tốt hơn ở tương lai cho sự nghiệp trồng người. Khi thầy đã biết sai, mong các trường, các cơ sở giáo dục không đóng kín cửa với thầy”.

Ông Phú mong khi bình tâm, thầy giáo có thể thi tuyển viên chức trở lại. Chính những yếu tố xảy ra ở Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner sẽ trở thành kinh nghiệm đắt giá trong sự nghiệp của thầy. Giáo dục sẽ luôn luôn đón nhận những con người phục thiện và cầu thị để phát triển. 

Lê Huyền

Cuộc thi sáng tạo STEM thu hút hàng trăm nghìn giáo viên, học sinh tham gia

Cuộc thi nhằm đem đến cho các em học sinh cơ hội ứng dụng kiến thức giáo dục STEM liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để tìm ra và hiện thực hóa các giải pháp sáng tạo.

Hồ Quỳnh Hương tiết lộ bạn trai hơn 2 tuổi, yêu mặn nồng nhưng chưa muốn cưới

Dịp trở lại âm nhạc với MV 'Cứ để cho em', ca sĩ Hồ Quỳnh Hương xác nhận đang yêu một người đàn ông hơn 2 tuổi.

Giảng viên trình độ giáo sư, tiến sĩ phía Bắc nhiều hơn các vùng khác cộng lại

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay quy mô và chất lượng giảng viên được nâng lên rõ rệt trong những năm qua. Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng, số người có trình độ tiến sĩ bằng cả nước cộng lại.

Cô gái miền Tây đổi đời nhờ vịt con duyên dáng, bất ngờ nổi tiếng châu Á

Câu chuyện cô gái Vĩnh Long đổi đời nhờ vịt con nở ra từ quả trứng hỏng được chọn làm thành phim, công chiếu trên kênh Discovery Asia đang thu hút sự chú ý của nhiều người châu Á.

Gác bằng thạc sĩ, chàng trai Cần Thơ về quê làm nông dân kiếm 1 tỷ đồng/năm

Có 2 bằng đại học, 1 bằng thạc sĩ nhưng Dương Đình Tuyễn ở TP Cần Thơ vẫn quyết định về quê chăm sóc khu vườn của gia đình, nhờ vậy anh có doanh thu cả tỷ đồng/năm.

'Khóc ròng' ở trường quốc tế học phí tiền tỷ: Đi không được, ở cũng không xong

Tin tưởng nhà trường, không ít phụ huynh ‘xuống tiền’ cho vay từ vài tỷ đến chục tỷ. Đổi lại, học sinh sẽ được học tập với mức chi phí 0 đồng. Đây cũng là nguồn cơn khiến nhiều phụ huynh ‘khóc ròng’ vì chờ mòn mỏi nhưng không đòi được “nợ”.

Học sinh lớp 11 Hà Nội lọt nhóm đầu tư chứng khoán xuất sắc tại trường Mỹ

Trong vòng 1 tháng khi tham gia trên sàn giao dịch chứng khoán ảo, Thái Toàn làm tăng khối lượng “tài sản” từ 1 triệu USD lên 7,5 triệu USD.

Tình tiết lạ vụ học sinh nghi bị thầy giáo đánh phù nề vùng đầu

Một số học sinh khẳng định thầy giáo có dùng que nhỏ đánh vào đầu Q., nhưng số khác cho biết do Q. đi xe đạp buông hai tay nên bị ngã ra đường.

Dòng họ nức tiếng có 3 cha con cùng đỗ tiến sĩ, nhiều năm làm quan lớn

Dòng họ Phan Huy ở Hà Tĩnh vang danh cả nước về truyền thống hiếu học, khoa bảng, có nhiều hiền tài được sử sách lưu danh. Trong đó, có 3 cha con Phan Huy Cẩn cùng đỗ tiến sĩ, đóng góp nhiều công trạng cho đất nước.

Ý kiến trái chiều về đề xuất người dưới 18 tuổi đi xe máy điện phải có bằng lái

Đại diện Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị bổ sung quy định người từ 16 đến dưới 18 tuổi đi xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối (50cc) phải có bằng lái nhưng nhiều ý kiến không đồng tình.

Đang cập nhật dữ liệu !