Vụ việc chấn động quá khứ ít ai biết là nỗi sợ khiến Mark Zuckerberg cũng phải che tịt webcam
Cách đây không lâu, chúng ta đã biết về việc Mark Zuckerberg chủ động dán băng dính che kín webcam trên chiếc laptop của mình. Chi tiết này thật chỉ vô tình bị để lộ khi anh đăng một tấm hình tươi tắn hàng ngày lên trang cá nhân, sau cùng lại khiến cả cộng đồng mạng giật mình để nhận ra những rủi ro tiềm tàng từ mục đích che giấu đó của anh.
Mark Zuckerberg và tấm hình gây bão Internet của mình.
Webcam là bộ phận ghi hình được đính kèm trên laptop, nôm na cũng tương tự như những chiếc camera selfie trên smartphone vậy. Thế nhưng, ít người biết rằng đây chính là nguồn cơn cho nhiều ý định xấu và cũng là mục tiêu của nhiều hacker khi muốn xâm nhập thiết bị, theo dõi nạn nhân của mình. Và Mark Zuckerberg chắc chắn đã hiểu rõ điều đó hơn ai hết.
Nếu có một tuổi thơ thường xuyên theo dõi thông tin thời sự thế giới, chắc hẳn bạn sẽ có thể nhớ ra vụ việc đình đám vào năm 2013: Miss Teen nước Mỹ - Cassidy Wolf - nổi lên từ vẻ đẹp "crush quốc dân" của mình, đồng thời cũng trở thành mục tiêu của tên hacker Jared James Abrahams. Hắn đã xâm nhập được vào chiếc laptop của cô, lén theo dõi và chụp lại những khoảnh khắc riêng tư của chủ nhân tại nhà riêng khi cô không hề hay biết.
Cassidy Wolf - Miss Teen 2013 nước Mỹ.
Abrahams thường lợi dụng sơ hở này để chụp ảnh nạn nhân khỏa thân khi họ không biết - chẳng hạn như góc nhìn chiếu đủ từ phòng tắm đi ra, nơi thay đồ trong phòng riêng - sau đó dùng để tống tiền. Được biết, Wolf thường có thói quen để laptop trên sàn phòng ngủ, vì thế hắn có thể dễ dàng theo dõi nhiều hoạt động riêng tư khác.
Vụ việc này khi ấy đã khiến cả nước Mỹ chấn động, không chỉ bởi Abrahams chính là bạn học cùng trường với Wolf mà còn bởi cách thức dễ dàng hắn thực hiện để mưu lợi bản thân.
Rủi ro tiềm tàng không thể đoán trước
Thủ đoạn của những tên hacker sau đó cũng đã được các chuyên gia tìm ra và khuyến cáo công khai, phổ biến nhất là "phishing": Gửi email giả mạo để lừa nạn nhân vào bẫy. Email này sẽ có tiêu đề và nội dung được làm giả công phu, thoạt nhìn như thể vô hại hoặc chào mời hấp dẫn, được đính kèm một file mã độc ngụy trang. Nếu cả tin tới nỗi tải file này về, máy tính sẽ bị xâm nhập và cho hacker toàn quyền theo dõi, thậm chí kiểm soát.
Một số ý kiến cho rằng khi webcam bị kích hoạt, đèn báo bên cạnh sẽ sàng và khiến chủ nhân thiết bị nghi ngờ. Tuy nhiên, các hacker có thể cao tay hơn, can thiệp vào phần mềm tắt đèn thông báo để không ai có thể phát hiện ra hành vi theo dõi ngầm của chúng. Vì vậy, phương pháp hiệu quả nhất là bảo đảm mọi thứ trong tầm kiểm soát, che kín tầm nhìn camera mới có thể bảo đảm 100% loại trừ khả năng xấu. Không chỉ Mark Zuckerberg, cả cựu giám đốc FBI - James Comey - cũng là một người luôn dán kín webcam trên máy tính cá nhân của mình, cẩn tắc vô áy náy.
Ngoài việc dùng băng dính bình thường có thể gây bất tiện hoặc thiếu thẩm mỹ, các phụ kiện lắp đặt kèm như thanh che đậy webcam cũng khá phổ biến và dễ lắp đặt. Chúng sẽ cho phép chủ nhân trượt một thanh nhỏ đóng mở tùy vào nhu cầu khi đó có cần che webcam hay không.
Thanh trượt ra vào để đóng mở tầm nhìn webcam.
Thời đại công nghệ tiên tiến hiện nay, không chỉ laptop mà tất cả các thiết bị thông minh như smartphone, TV... đều có thể trở thành mục tiêu của hacker nếu chúng quyết tâm hạ gục con mồi. Vì vậy, hãy luôn cập nhật những thông tin mới nhất về thủ đoạn của chúng được tìm ra, trang bị cho mình những kiến thức mới để chống lại vấn nạn theo dõi, lừa đảo, tống tiền từ kẻ xấu.