Vụ điều chuyển giáo viên ở Thanh Hóa: Bộ GD&ĐT yêu cầu tạm dừng
Việc cho các giáo viên THPT đi học phục vụ cho điểu chuyển khiến nhiều giáo viên bức xúc |
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) - cho biết: “Một số giáo viên ở Thanh Hóa bị yêu cầu đi học lớp bồi dưỡng để phục vụ cho việc điều chuyển chúng tôi đã nắm được.
Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh này và các địa phương trong tỉnh thực hiện đúng theo chỉ đạo của BộGD&ĐT là tạm dừng việc điều chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non khi chưa qua đào tạo.
Khi trao đổi thì lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã cam kết sẽ thực hiện chỉ đạo của Bộ”.
Quyết định cho giáo viên bị điều chuyển đi bồi dưỡng của UBND huyện Ngọc Lặc |
Trước đó, trả lời báo chí về việc điều chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã khẳng định việc điều chuyển giáo viên phải dựa trên tinh thần tự nguyện của các thầy cô.
“Chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Giáo dục mầm non là bậc học đặc thù, đòi hỏi giáo viên mầm non phải đáp ứng được những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt để có thể chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tốt nhất.
Trước thực trạng các địa phương tổ chức bồi dưỡng cho số giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non chỉ 5-6 tuần, Bộ GD&ĐT thấy rằng việc làm đó là chưa thể đáp ứng nhu cầu.
Vì thế, Bộ GD&ĐT đã giao cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì, phối hợp với các trường sư phạm khác nghiên cứu, khảo sát kỹ để xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn của chương trình đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi triển khai”.
Có thể thấy, đây chính là giải pháp tình thế mà Bộ GD&ĐT đưa ra để giải quyết hậu quả của việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên ồ ạt, thiếu tính toán ở một số địa phương.
Trước đó, báo Infonet đã đưa tin, một số giáo viên THCS và bị điều chuyển xuống dạy mầm non từ ngày 22/9/2015 trên địa bàn huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) bức xúc vì bị cử đi bồi dưỡng giáo viên mầm non và có nguy cơ không được quay trở về dạy phổ thông đúng như nguyện vọng cũng như chương trình họ được đào tạo.
Nhất là khi trước đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương dừng việc điều chuyển giáo viên khi chưa qua đào tạo để giao cho trường Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên.
Sáng 13/3, trao đổi với PV báo Infonet, bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: “Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên, chúng tôi thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, sau đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu chúng tôi tạm dừng việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên. Chúng tôi cũng đã báo cáo với UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND tỉnh yêu cầu ĐH Hồng Đức (đơn vị lập kế hoạch) dừng việc bồi dưỡng giáo viên.
Việc điều chuyển giáo viên cũng như bồi dưỡng trình độ cho giáo viên chúng tôi cũng tạm dừng theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT”.
Vị này cũng cho biết thêm: “Việc quy hoạch, điều chuyển giáo viên rất cần thiết nhưng phải thận trọng, không áp đặt từ trên xuống mà nên để cơ sở đề xuất thực hiện để phù hợp với thực tiễn, điều kiện cụ thể từng địa phương”.
Được biết, hiện tại tỉnh Thanh Hóa đang thừa nhiều giáo viên với hơn 2.000 người, đặc biệt là giáo viên THCS. Nhưng lại thiếu tới hơn 2.000 giáo viên mầm non và tiểu học.
Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho giáo viên đi học bồi dưỡng phục vụ cho việc điều chuyển. Lớp bồi dưỡng này được chia làm 2 đợt. Đợt 1 bắt đầu từ ngày 9/3. Đợt 2 từ ngày 17/4. Mỗi đợt học kéo dài 6 tuần (ngày học 2 buổi).
Tổng kinh phí cho khóa bồi dưỡng giáo viên này khoảng 3 tỉ đồng. Được trích từ nguồn sự nghiệp giáo dục đào tạo trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2016-2017.