Vụ bé gái 5 tuổi bị "yêu râu xanh" sát hại ở Bà Rịa: "Chúng ta mất cảnh giác với người quen"
Nhiều gia đình rất cảnh giác với người lạ, "soi" thầy cô giáo từng li từng tí nhưng lại bỏ quên mất nguy cơ con thiếu an toàn từ người quen biết.
Vụ cháu bé P.N.Q.N. (5 tuổi, trú tại phường Long Tâm, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tử vong do bị xâm hại, nghi phạm là hàng xóm ở kế bên nhà nạn nhân đã khiến nhiều người bàng hoàng, lo lắng.
Là một người mẹ có con gái nhỏ tầm 5 tuổi, chị Nguyễn Thị Phương (Hà Nội) nghe thông tin vụ việc mà bủn rủn chân tay. Chị dự tính mùa hè này sẽ gửi con về quê để nhờ ông bà ngoại chăm sóc nhưng vụ việc này khiến chị vô cùng hoang mang lo lắng vì nguy cơ xâm hại con trẻ có thể bất ngờ xuất hiện từ người quen, thậm chí là những người được cho rằng quý mến trẻ.
Vụ việc xâm hại, sát hại bé gái 5 tuổi ở TP. Bà Rịa gây rúng động dư luận. |
Theo TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tỉ lệ trẻ bị người thân quen xâm hại bao giờ cũng rất cao, chiếm trên 60% nhưng các mẹ vẫn chủ quan.
Cha mẹ thường có tâm lý tin tưởng người thân quen, càng thân, càng gần gũi thì càng tin tưởng. Ngó vào những nhóm của các mẹ trẻ, chắc chắn chúng ta đọc được hàng loạt bài chia sẻ rằng ông bà ngoại, ông bà nội giúp trông con vì các mẹ tin tưởng họ sẽ luôn yêu thương và chăm sóc lũ trẻ như chính các mẹ. Sự tin tưởng này luôn hiện hữu từ trước khi con ra đời. Do vậy, việc các mẹ giao con cho người thân thiết là hết sức bình thường.
Tuy nhiên, giao con cho ông bà nội, ngoại còn có thể hiểu được, nhưng giao cho hàng xóm, giao cho họ hàng xa lơ xa lắc cũng là một thói quen của nhiều người.
Thông thường chúng ta luôn nghĩ họ có quá nhiều thứ để mất nếu họ bị bắt khi làm hại con mình. Vì "cái thứ để mất" mơ hồ nào đó, chúng ta dễ dàng giao con cho người quen, hơi thân thân, hoặc thậm chí là ta biên biết 1 chút.
TS Vũ Thu Hương cho rằng việc cha mẹ ỷ vào sự quen biết, thân thiết với những người khác mà giao con là một mối nguy hiểm tiềm tàng.
Rất nhiều gia đình không cho con đi học vì nhà có người giữ trẻ. Họ nghi kị, soi xét cô giáo thật lực nhưng lại hết sức chủ quan với những người quen khác.
Con ăn không được cũng ý kiến cô giáo, con khóc nhẹ cũng gây với cô, thậm chí cô dạy học mà chưa kịp để ý đến con thì cũng soi cô. Thế nhưng người thân quen trong gia đình hoặc quen biết lâu năm có làm gì con mình thì không mấy mẹ quan tâm.
Có rất nhiều mẹ đã than thở về việc con bị chó cắn, bị ngã, bị bầm tím khi ở nhà với người thân. Nhưng con lại vẫn được giao cho chính những người đó chăm nom chứ không phải là đi lớp.
"Nhiều trẻ bị xâm hại mà cha mẹ không biết hoặc trẻ nói mà mẹ không tin, nguyên nhân hoàn toàn đến từ suy nghĩ chủ quan của cha mẹ. Ý nghĩ về câu chuyện con bị xâm hại từ 1 người thân thiết quá khủng khiếp với cha mẹ vì người thân đó chiếm 1 tình cảm nào đó của cha mẹ. Đó có thể là sự yêu quý, kính nể, tôn trọng nên họ tìm cách chối bỏ sự thật để tự ru ngủ rằng mọi chuyện bất ổn không hề xảy ra. Điều này sẽ mang lại tâm lý an lành giả tạo cho cha mẹ, giúp cho họ không bị sốc.
Khi con kể lại việc bị xâm hại, nếu sự thật đúng như lời con nói, cha mẹ sẽ đối diện với 1 sự thật vô cùng tàn khốc vì 1 người mà mình có tình cảm đã làm hành vi vô cùng khốn nạn với con em mình. Do vậy, họ thường tìm cách coi như chuyện đó không xảy ra và lờ đi việc đó, chỉ đến khi có hậu quả thì đã muộn" – TS Vũ Thu Hương nói.
Người lớn e ngại về giáo dục giới tính, học sinh sẽ lĩnh hậu quả
Nhà trường có vai trò quan trọng trong việc giáo dục giới tính cho học sinh, bên cạnh cha mẹ.
K.Chi