Vỡ ruột thừa vì mẹ cho đi chữa mẹo, dấu hiệu nào cần cho con vào viện ngay
Đau bụng ở trẻ có nhiều nguyên nhân như nhiễm khuẩn, ăn uống quá độ, dị ứng thức ăn, ngộ độc thực phẩm hay độc chất hoặc các nguyên nhân lớn hơn như viêm ruột thừa, tắc ruột…vì vậy cần theo dõi thật sát để cấp cứu kịp thời.
Thấy con bụng to bất thường, cha mẹ 'chết điếng' khi biết kết quả
Ung thư buồng trứng là ung thư ác tính nhất trong các bệnh ung thư phụ khoa, đặc biệt rất nhiều trường hợp còn trẻ đã mắc bệnh.
Vỡ ruột thừa vì mẹ cho đi chữa mẹo
Chị Nguyễn Thị Huế (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết con trai chị vừa phẫu thuật viêm ruột thừa vỡ gây nhiễm trùng nặng.
Theo chị Huế, con trai chị 11 tuổi, bé thường xuyên kêu đau bụng, chị cho con uống thuốc không đỡ. Chị được một người quen giới thiệu sang nhà ông lang xã bên cạnh chuyên trị các chứng đau bụng nên chị cho con sang bên đó để chữa mẹo.
Kết quả, ngày hôm sau bé đi học bình thường nhưng đến chiều tình trạng đau bụng tăng lên không đỡ. Chị Huế vội vàng đưa con vào Bệnh viện quân y 103 cấp cứu. Lúc này, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm ruột thừa đã vỡ. Vì đã bị ảnh hưởng tới phúc mạc, ca phẫu thuật kéo dài và thời gian bé bình phục rất lâu.
Ảnh minh hoạ. |
Chị Phương Hà (31 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) vừa đưa con vào BV Nhi trung ương cấp cứu vì lồng ruột, chia sẻ buổi tối con gái 3 tuổi của chị vẫn chơi bình thường, đến 10h đêm chuẩn bị đi ngủ thì bé khóc ré lên kêu đau bụng. Chị Hà nghĩ con lấy cớ để không đi ngủ còn xem hoạt hình nên cho rằng con đùa. Đến khi bé khóc thét từng cơn ôm bụng kêu đau cả nhà mới tá hoả.
Vợ chồng chị vội vàng gọi điện hỏi bác sĩ gia đình quen. Hai vợ chồng được tư vấn nên theo dõi thêm. Nhưng càng về sau cơn đau này càng kéo dài và thường xuyên hơn.
Cuối cùng, 2h sáng cả nhà đưa bé vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ siêu âm cho biết bé bị lồng ruột và phải tháo lồng.
Khi nào cơn đau bụng nguy hiểm
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh – Bệnh viện Việt Đức, trẻ bị đau bụng rất hay gặp. Tuy nhiên, triệu chứng đau bụng ở trẻ em có nhiều nguyên nhân cha mẹ cần chú ý kỹ để không xảy ra điều đáng tiếc. Bởi vì khi trẻ đau bụng có những nguyên nhân nhẹ nhàng không nguy hiểm nhưng cũng có những nguy cơ nguy hiểm tiềm ẩn.
Những nguyên nhân nguy hiểm với trẻ có thể viêm ruột thừa, xoắn ruột, lồng ruột, xoắn nang tinh hoàn ở nam, xoắn buồng trứng ở nữ. Những nguyên nhân không nguy hiểm như ngộ độc thức ăn, trúng gió, ăn quá nó, viêm hạch mạc treo.
Khi trẻ bị đau bụng, theo bác sĩ Khánh, cha mẹ nên theo dõi con và hỏi bé vị trí đau để xác định khi nào cần đưa trẻ đi viện khi trẻ có các dấu hiệu sau:
Thứ nhất, trẻ đau bụng hố chậu bên phải cũng có thể viêm ruột thừa. Viêm ruột thừa ở trẻ diễn biến nhanh có thể vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc.
Thứ hai, đau bụng cơn kèm nôn mật xanh, mật vàng có thể bị tắc ruột, xoắn ruột, lồng ruột.
Thứ ba, đau bụng kèm theo sốt cao.
Thứ tư, trẻ đau bụng kéo dài trên 24 tiếng.
Thứ năm, trẻ đau bụng kèm tiêu chảy sau 24 tiếng. Nếu trẻ đau bụng tiêu chảy trong 24 tiếng là hết thì thôi nhưng dài quá cần cho trẻ đi viện.
Thứ sáu, trẻ đau bụng vùng hạ vị, vùng bẹn có thể do thoát vị bẹn nghẹt, xoắn tinh hoàn cần cấp cứu ngay.
BS Khánh cũng lưu ý với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường khóc và ôm bụng khi trẻ bị đau bụng. Khi đó, cần đưa trẻ vào khoa cấp cứu gần nhất có máy siêu âm để bác sĩ siêu âm loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm nhất. Tại bệnh viện, để xác định chính xác nguyên nhân, đôi lúc các bác sĩ sẽ cần thực hiện thêm một số xét nghiệm như công thức máu, xét nghiệm phân, siêu âm, chụp Xquang bụng… Tùy theo nguyên nhân cụ thể mà hướng xử trí sẽ khác nhau. Trẻ có thể sẽ được dùng thuốc, tiếp tục theo dõi hay nhanh chóng phẫu thuật.
Khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên bà mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho bé nằm nghỉ. Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Khánh Chi