Video cận cảnh F-35 của Anh ‘gãy cánh’ từ tàu sân bay
Nhà báo Anh Seb Haggart mới đây đã đăng tải trên Twitter một đoạn video ghi lại cảnh máy bay chiến đấu tàng hình F-35B của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) bị rơi trong lúc cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.
Theo đó, sự cố xảy ra hôm 17/11, phi công đã kịp nhảy dù nên chỉ bị thương nhẹ. Đoạn video cho thấy máy bay lao xuống biển ngay sau khi cất cánh khỏi đường băng từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.
The Sun đưa tin, nguyên nhân của vụ tai nạn có thể là do tấm che mưa bị kẹt vào động cơ khi cất cánh, vì đội kỹ thuật mặt đất đã không tháo tấm che này ra khi chuẩn bị cho máy bay cất cánh.
Các thủy thủ đã tìm thấy tấm che động cơ màu đỏ tại vùng biển nơi máy bay gặp nạn. “Họ biết ngay. Tấm phủ động cơ phải được lấy ra trước chuyến bay. Đội kỹ thuật mặt đất làm việc đó và họ cực kỳ nghiêm ngặt. Sau đó phi công mới kiểm tra xung quanh”, một nguồn tin cho biết.
Phi công của chiếc F-35B đã phát hiện vấn đề và cố hủy màn cất cánh nhưng do đã chạy hết đường băng nên buộc phải thoát ra khỏi máy bay trước khi quá muộn. Dù của phi công bị mắc vào tàu do người này bật ghế phóng lúc ở quá gần tàu sân bay.
Bộ Quốc phòng Anh đang điều tra vụ việc nhưng các nguồn tin cho rằng đó là do lỗi con người và giám sát, đồng thời nói thêm rằng không có chiếc F-35 nào khác bị tạm ngưng hoạt động do nguyên nhân không phải là trục trặc trong thân máy bay.
Các nguồn tin hải quân Anh cho hay, vẫn chưa xác định được vị trí chính xác của chiếc F-35B. Nước này cũng điều động lực lượng tới khu vực để đảm bảo không nước nào trục vớt được chiếc F-35B trước họ, đồng thời đề nghị Mỹ hỗ trợ thu hồi xác phi cơ.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth phải chuyển hướng so với kế hoạch để tiến về gần bờ biển Hy Lạp, cho phép trực thăng đón phi công vào đất liền kiểm tra sức khỏe.
Vụ tai nạn này là vụ rơi thứ 5 của dòng tiêm kích tàng hình F-35 trị giá cả trăm triệu USD, không tính đến những sự cố trên mặt đất hoặc khi hạ cánh, đây cũng là chiếc F-35 đầu tiên bị phá hủy khi vận hành từ tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công.
HMS Queen Elizabeth vận hành 18 tiêm kích F-35B có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng trước khi xảy ra tai nạn, gồm 8 chiếc của Phi đoàn số 617 không quân Anh và 10 máy bay thuộc Phi đoàn tiêm kích thủy quân lục chiến số 211 của Mỹ.
Được biết, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth gia nhập Hải quân Anh năm 2017 và hiện là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử của lực lượng này. Hiện tại, Anh có 17 chiếc F-35B, với tổng số 138 máy bay chiến đấu được lên kế hoạch cung cấp cho lực lượng vũ trang. 12,9 tỉ bảng Anh đã được phân bổ để mua sắm máy bay chiến đấu.
Lockheed Martin F-35 Lightning II là dòng máy bay chiến đấu, ném bom tàng hình đa chức năng thế hệ thứ 5, được phát triển tại công ty Lockheed Martin của Mỹ với 3 phiên bản: máy bay chiến đấu tấn công mặt đất (CTOL) phục vụ nhu cầu của Không quân Mỹ, máy bay cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) dành cho lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ và Hải quân Anh, máy bay chiến đấu triển khai trên tàu sân bay dành cho các nhu cầu của Hải quân Mỹ.
Lực lượng hạt nhân của Nga vượt trội hơn Mỹ ở những điểm nào?
Trong thập kỷ qua, Nga đã đạt được một số bước đột phá trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và đi trước Mỹ đáng kể trong một số lĩnh vực.
Thanh Bình (lược dịch)