Vì sao Trung Quốc bị ám ảnh với lực lượng đặc công nước Việt Nam?
Mục quân sự của Hoàn Cầu thời báo gần đây đăng bài viết nói ‘Trung Quốc đã tìm ra cách khắc chế đặc công nước Việt Nam’.
Đặc công nước Việt Nam - Ảnh: Tri thức trẻ |
Nhiều trang tin quân sự Trung Quốc ngay lập tức rầm rộ đăng lại tin này kèm lời nhận xét: Đặc công nước Việt Nam có lẽ là lực lượng dưới nước tinh nhuệ bậc nhất châu Á.
Hoàn Cầu thời báo nhận định, đặc công nước Việt Nam từng gây cho đế quốc Mỹ những tổn thất vô cùng trầm trọng.
Mặt khác, đặc công nước cũng là nắm đấm thép của Việt Nam trong việc chống tàu ngầm. Điều này, theo báo Trung Quốc là ‘mối uy hiếp không thể xem nhẹ’.
Quay lại với thông tin nói Trung Quốc chế tạo thành công vũ khí khắc chế người nhái, đặc công nước, trang tin quân sự Armystar bằng tiếng Trung Quốc nói vũ khí này đã thử nghiệm thành công ở độ sâu 1.500m.
Theo đó, đây thực chất là robot chiến đấu không người lái hoạt động dưới nước, được cho là có khả năng tự động nhận diện, tấn công người nhái.
Robot Hải Yến của Trung Quốc trong khu vực thử nghiệm tại Đại học Thiên Tân |
Hôm 4/1 vừa qua, đài truyền hình trung ương Trung Quốc loan báo nước này chế tạo thành công tàu lặn Hải Yến với độ sâu khi lặn là 1.500m. Tin này của Trung Quốc còn nói thêm, đây sẽ là vũ khí lợi hại của Bắc Kinh để khắc chế ‘hoạt động của người nhái của một vài quốc gia’.
Hoàn Cầu thời báo dẫn nguồn chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định đây sẽ là hướng đi trong tương lai của nước này bởi robot hay tàu lặn có thể hoạt động rất lâu dưới nước.
Với công nghệ hiện tại, robot Hải Yến được cho là có thể lặn sâu 1.500m, hoạt động liên tục với cự ly 1.000km và có thể ở dưới nước suốt 30 ngày liên tục.
Hải Yến và những vũ khí tương tự được coi là vũ khí hiệu quả của Trung Quốc để bảo vệ giàn khoan dầu khí, tàu chiến và thậm chí căn cứ quân sự.
Hoàn Cầu thời báo khoe khoang rằng vũ khí của robot Hải Yến chưa thể hạ sát người nhái nhưng có thể làm bị thương hoặc khiến người nhái rơi vào trạng thái hôn mê.
Tháng 6/2014, cuộc thử nghiệm robot Hải Yến diễn ra ở Đại học Thiên Tân. Thử nghiệm này là lần thiết bị không người lái Trung Quốc hoạt động lâu nhất, xa nhất trong điều kiện không có chướng ngại vật.
Hải Yến, trong tương lai được nói là sẽ trở thành ‘cá mập’ tuần tra dưới biển của hải quân Trung Quốc để ‘bảo vệ giàn khoan, tàu thuyền ở Nam Hải (Biển Đông)’.
Trở lại thời điểm tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào trong vùng thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam được luật pháp quốc tế thừa nhận.
Hình ảnh được nói là của đặc công nước Việt Nam đăng tải trên báo Trung Quốc |
Đồng thời với việc này, Bắc Kinh huy động hàng trăm tàu cá bọc thép, tàu công vụ và thậm chí cả tàu chiến uy hiếp lực lượng chấp pháp Việt Nam.
Sau đó, Trung Quốc lớn tiếng lu loa, vu vạ cho Việt Nam về việc ‘sử dụng người nhái’ dùng lưới đánh cá, chướng ngại vật cản trở tàu thuyền Trung Quốc.
Tờ Hoàn Cầu thời báo thì nghênh ngang tuyên bố: Phiên bản vũ trang của Hải Yến trong tương lai sẽ khiến chiến thuật sử dụng người nhái của Việt Nam hoàn toàn mất tác dụng. Hải Yến sẽ giống như cá mập tuần tra xung quanh giàn khoan, một khi phát hiện người nhái Việt Nam xâm nhập sẽ tự động tấn công.
Theo số liệu do Trung Quốc công bố, Hải Yến trông giống một quả thủy lôi với chiều dài 1.8m, đường kính 0.3m, nặng khoảng 70kg, chuyển động theo dạng xoắn ốc.
Trước mắt, các đơn vị kỹ thuật của quân đội Trung Quốc đang tìm cách gắn thêm thiết bị cảm ứng cho Hải Yến để phát hiện người nhái, thủy lôi, tàu ngầm từ xa. ‘Năng lực chống tàu ngầm của Trung Quốc cũng sẽ có bước phát triển nhảy vọt’, theo tường thuật của Hoàn Cầu thời báo.
Báo Trung Quốc nói đặc công nước Việt Nam là lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến |
Trong khi đó, trên các mạng xã hội Trung Quốc, cư dân mạng nước này tỏ ra không mấy lạc quan. Nhiều ý kiến nói vũ khí Trung Quốc đã lạc hậu ít nhất 10 năm so với nước ngoài, không có khả năng chế tạo vũ khí hiện đại v.v.
Trang tin quân sự Armystar lại nói Trung Quốc hiện có 29 loại vũ khí lọt vào Top 3 vũ khí quân sự thế giới. Nhưng trang này không đưa ra được số liệu cụ thể và tiêu chí xếp hạng.
Trước đó, báo Trung Quốc cũng đã đăng tải nhiều bài viết đánh giá cao khả năng thiện chiến của người nhái Việt Nam. Có cảm giác nước này đang bị ám ảnh và cụm từ 'người nhái' trở nên rất nhạy cảm trên báo chí Trung Quốc.
Trung tá Đặng Hồng Quân, phụ trách công tác ban Tuyên huấn, Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định thông tin về việc tàu Việt Nam thả lưới cỡ lớn, giăng mắc chướng ngại vật, đưa người nhái tấn công tàu Trung Quốc là hoàn toàn bịa đặt.
VTC News trích dịch bài viết trên Tân Hoa Xã về nỗi ám ảnh của nước này với lực lượng đặc công nước Việt Nam:
Lữ đoàn 126 được một số người cho là ‘con át chủ bài’ của Việt nam trong việc gìn giữ chủ quyền biển đảo và các vùng nước thuộc vùng đặc quyền kinh tế. Một số thông tin nói lữ đoàn 126 có cơ sở huấn luyện ở giữ một ngon núi có sông lớn chảy qua.
Hoàn Cầu thời báo khoe khoang rằng robot Hải Yến sẽ khắc chế người nhái |
Trước đây, từng có báo cáo cho rằng Lữ đoàn 126 có hai trụ sở đặt tại Long An và Khánh Hòa, mỗi năm huấn luyện khoảng 30-50 người nhái đặc biệt tinh nhuệ.
Trang thiết bị, chiến thuật và kỹ năng người nhái Việt Nam ‘không kém gì đặc nhiệm hải quân SEAL của Mỹ’.
Huấn luyện khắc nghiệt
Thông thường, cứ 1.000 người mới lấy được 10 người, bình quân mỗi năm Lữ đoàn 126 chỉ tăng được 20-30 tân binh.
Họ được coi là những tài năng đặc biệt trong quân đội Việt Nam, sở hữu khả năng tác chiến tầm xa trên mặt nước hoặc sâu dưới nước, được trang bị những vũ khí, khí tài hiện đại bậc nhất.
Theo báo cáo của Mỹ, năm 2004-2005, người nhái Việt nam nhận được 55 thiết bị nhìn đêm của Mỹ, được nhập khẩu qua đường ‘xách tay’.
Mang nửa tấn thiết bị lặn dưới nước (?!)
Đây là quá trình huấn luyện khắc khổ nhất trong quân đội Việt Nam, mỗi người nhái ban đầu phải mang 200 kg thiết bị lặn dưới nước, sau khi đã thành thục, họ phải mang tổng cộng 500kg thiết bị.Trong điều kiện xung quanh là màn đêm tối mù mịt, người nhái phải sử dụng những thiết bị đặc chủng để tìm hướng lặn. Do thủy triều mạnh, đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự tiêu hao thể năng rất lớn.
Người nhái còn phải trải qua khóa huấn luyện ‘bất động’ dưới nước, điều này giúp họ có thể tấn công những mục tiêu đặc biệt. Hiện tại, kỷ lục được ghi nhận là một người nhái có thể mang theo 500kg thiết bị và bất động dưới nước suốt 24 tiếng đồng hồ.
Trong điều kiện mùa đông, nhiệt độ dưới nước chỉ khoảng 8-10 độ C, nhưng những người nhái Việt Nam vẫn phải tập bơi như bình thường.
Sau khi rời khỏi mặt nước, màu da họ chuyển sang xanh thẫm hoặc trắng bợt, cơ miệng cũng mất khả năng cử động.
Mỗi năm, những người nhái phải ba lần ra Biển Đông huấn luyện, mỗi đợt huấn luyện dã chiến như thế kéo dài 30-50 ngày.
Hiện tại, kỷ lục bơi liên tục trên mặt biển được ghi nhận là 48 tiếng đồng hồ. Việc bơi và lặn giúp người nhái sở hữu khả năng tác chiến hoàn hảo.
Người nhái Việt Nam có khả năng thích nghi cực tốt trong điều kiện dòng hải lưu chảy xiết, dòng nước xoáy, họ thậm chí có thể đương đầu với sự tấn công cả mập.
Thần kinh Tiền đình cũng là điều được đặc biệt chú trọng khi huấn luyện người nhái. Việc này giúp họ có khả năng hoàn thành nhiệm vụ với độ khó cao, duy trì thăng bằng, phương hướng trong điều kiện chịu nhiều tác động.
Vào mùa hè, người nhái Việt Nam được đưa đến những bãi cát để luyện giấu mình trong cát nóng bỏng. Khi vùi mình dưới lớp cát 35 độ C, thân nhiệt người nhái có thể lên đến mức 45 độ C.
Bài báo trên Tân Hoa Xã kết luận: Với sự huấn luyện khắc nghiệt, đặc công nước và người nhái Việt Nam có khả năng tác chiến cực cao, độc lập hoàn thành nhiệm vụ, giữ bí mật tuyệt đối.
Có rất nhiều nhiệm vụ mà người nhái Việt Nam hoàn thành xuất sắc tới mức các đồng nghiệp đặc nhiệm hải quân Mỹ không sao hiểu nổi.
Không nghi ngờ gì nữa, người nhái là một trong những lực lượng được Việt Nam xây dựng rất kỹ nhằm chuẩn bị cho các cuộc xung đột trên biển trong tương lai.
Văn Việt (Theo Hoàn Cầu thời báo, Armystar.com, Tân Hoa Xã)
Theo VTC.vn