Vì sao tháp nghiêng Pisa mãi không thể đứng thẳng?
Tháp nghiêng Pisa nằm bên cạnh nhà thờ Pisa, Italy là công trình nghiêng nổi tiếng nhất thế giới. Tháp Pisa vốn không được thiết kế nghiêng, vì một số nguyên nhân mà công trình này bị nghiêng mãi và không thể đứng thẳng.
Tháp nghiêng Pisa là công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới được thiết kế làm tháp chuông bên cạnh nhà thờ Pisa, trong quảng trường Piazza del Miracoli (Quảng trường màu nhiệm).
Tháp Pisa là một phần trong dự án xây dựng tại Piazza del Miracoli, Pisa, Italy. Công trình này được xây dựng từ năm 1173.
Sau 5 năm, 3 trong số 8 tầng của tháp Pisa được xây xong. Nhưng sau khi hoàn thành tầng thứ ba, tòa tháp bắt đầu nghiêng về phía bắc.
Nguyên nhân khiến công trình này bị nghiêng là do đặc điểm địa lý của chính thành phố Pisa.
Nền đất mềm với thành phần chính là bùn, cát và đất sét ở khu vực xây dựng tháp được cho là nguyên nhân chính khiến tháp Pisa bị nghiêng.
Thêm nữa, móng của tháp Pisa được làm từ hỗn hợp đất sét đặc và sâu khoảng 3 m. Nền móng này không đủ kiên cố và sâu để đỡ trọng lượng khổng lồ khoảng 14.000 tấn của cả tòa tháp. Điều này khiến tháp Pisa bị nghiêng thêm.
Các chuyên gia tiến hành đo đạc và phát hiện độ nghiêng của Tháp Pisa ban đầu chỉ là 0,2 độ. Trải qua nhiều thế kỷ, con số này tăng lên 5,5 độ vào năm 1990.
Sự chênh lệch mặt phẳng giữa đỉnh tháp và chân tháp là 4,6 m. Vì vậy, để tháp nghiêng Pisa không bị đổ sập, các nhà khoa học Italy đã thực hiện một dự án để ổn định tòa tháp này.
Theo đó, các chuyên gia tiến hành san phẳng nền đất bên dưới tháp Pisa. Các thiết bị neo giữ cũng được lắp đặt trong thời gian từ năm 1990 - 2001.
Nhờ giải pháp này, tháp Pisa trở nên vững chắc, ổn định hơn khi độ nghiêng của tháp giảm xuống còn 3,97 độ. Dù vậy, các chuyên gia không thể khiến công trình này đứng thẳng và chấm dứt việc bị nghiêng theo thời gian.
Tâm Anh/Kienthuc.net.vn