Vì sao tàu ngầm tấn công Mỹ lại tới Philippines đúng thời điểm?
Tuyên bố của Hải quân Mỹ nếu rõ chuyến đi của USS Topeka tới căn cứ quân sự của Philippines là nhằm giúp hai bên thúc đẩy việc trao đổi các giá trị văn hóa cũng như tăng cường quan hệ song phương. Tuyên bố không nêu rõ các hoạt động của Topeka mà chỉ cho biết tàu ngầm tấn công này sẽ tiến hành “nhiều nhiệm vụ khác nhau”.
“Với thủy thủ đoàn 160 người, Topeka sẽ tiến hành nhiều nhiệm vụ và duy trì tính hiệu quả của những năng lực mới nhất của hạm đội tàu ngầm”, tuyên bố viết.
Tàu ngầm tấn công nhanh USS Topeka của Mỹ đã tới căn cứ quân sự Philippines đúng thời điểm "nhạy cảm". Nguồn: Flickr |
Dù đây là một hoạt động triển khai thường lệ nhưng sự hiện diện của tàu ngầm tấn công Mỹ vẫn thu hút được sự chú ý của truyền thông giữa thời điểm “nhạy cảm” như hiện nay. Hồi đầu tuần, Tòa án Tối cao Philippines đã bỏ phiếu tán thành tính hợp hiến của Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA), một thỏa thuận mà Manila và Washington đã ký kết từ tháng 4/2014.
Ngày 13/1 vừa qua, cuộc gặp gỡ 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cùng hai người đồng cấp Mỹ đã diễn ra tại Washington D.C. Cả hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có việc Mỹ hỗ trợ các kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Philippines cũng như các tranh chấp leo thang trên Biển Đông.
Vịnh Subic từng là cơ sở hải quân của Mỹ và Philippines đã quyết định tái mở cửa khu vực này để làm căn cứ quân sự, một động thái được thực hiện lần đầu tiên trong hơn hai thập kỷ qua.
Topeka có chiều dài khoảng 90 m và trọng lượng hơn 6.000 tấn. Nó có thể hoạt động ở độ sâu hơn 240 m với tốc độ lên tới 25 hải lý mỗi giờ. Topeka được coi là một trong những tàu ngầm có khả năng tàng hình tốt nhất với khả năng hỗ trợ nhiều nhiệm vụ khác nhau gồm chống tàu ngầm, chống hạm, tấn công, giám sát và do thám.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.