Vì sao phụ nữ Trung Quốc ngại xin nghỉ phép khi bị sảy thai?
Dù được nghỉ phép có lương khi không may bị sảy thai, nhưng nhiều phụ nữ Trung Quốc vẫn ngại xin nghỉ và còn xem đây là "vết nhơ" tại nơi làm việc.
Hôm 25/3, New Zealand đã thông qua bộ luật cho phép các cặp đôi có 3 ngày nghỉ có lương, sau khi người vợ bị sảy thai hoặc sinh non. New Zealand trở thành quốc gia mới nhất tham gia danh sách nối dài các nước chấp thuận để nữ lao động được nghỉ mà vẫn có lương nếu như không may bị sảy thai.
Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đã thông qua bộ luật trên vào thập niên 50 và 60. Nhưng bộ luật mới được New Zealand ban hành có sự cải tiến khi bao hàm nghỉ phép có lương cho cả chồng cũ của nữ lao động bị sảy thai, nếu như họ chứng minh được đứa trẻ là con chung của hai người. Ngoài ra, bộ luật của New Zealand còn áp dụng với các cặp đôi nhận con nuôi hoặc nhờ người mang thai hộ.
Phụ nữ Trung Quốc ngại xin nghỉ phép khi bị sảy thai vì xem đây là "vết nhơ" tại nơi làm việc. (Ảnh minh họa) |
Kể từ năm 1951, phụ nữ Trung Quốc được phép nghỉ làm sau khi bị sảy thai. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc phụ nữ bị sảy thai được nghỉ làm có lương chỉ là trên giấy, còn thực tế thì rất hiếm. Thậm chí, phụ nữ Trung Quốc còn cảm thấy chuyện bị sảy thai là “vết nhơ” tại nơi làm việc.
Bà Dong Yige, phó giáo sư tại Đại học Buffalo ở bang New York, nhận định Trung Quốc là một trong những quốc gia sớm nhất thông qua chính sách cho nữ lao động nghỉ khi bị sảy thai.
“Sảy thai là chuyện bình thường và khó tránh trong giai đoạn mang thai. Chuyện này nên được bình thường hóa. Chừng nào một người phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai, việc sảy thai hoàn toàn có thể xảy ra. Những chính sách bảo vệ quyền lợi người lao động trong trường hợp bị sảy thai cần được đảm bảo”, bà Yige nói.
“Chúng ta không thể nói người hoàn thành sinh ra một đứa trẻ hay người bị sảy thai là người chịu tổn thương nhiều hơn trong cả quá trình mang thai. Thậm chí, những phụ nữ bị sảy thai còn phải một mình chịu tổn thương vì họ không sinh được con”, bà Yige nói thêm.
Hiện không có con số thống kế chính xác số vụ sảy thai ở Trung Quốc, nhưng theo một nghiên cứu được tiến hành trên 282.797 phụ nữ mang thai từ năm 2004 – 2008 được tạp chí BMC Medicine công bố, số vụ sảy thai trong nhóm nghiên cứu chiếm 10%. Trong khi đó, vào năm 2019, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 14,65 triệu trẻ ra đời.
Phụ nữ Trung quốc được phép nghỉ 15 ngày có lương nếu như bị sảy thai trong 4 tháng đầu và 42 ngày nếu bị sảy thai xảy ra sau 4 tháng đầu.
Ông Jing Wang, một luật sư tại Thượng Hải cho rằng chính quyền các tỉnh và các cấp cần áp đặt cả trách nhiệm pháp lý đối với những công ty không tuân thủ quy định để nữ lao động nghỉ việc có lương nếu không may bị sảy thai.
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Đông, phụ nữ bị sảy thai trong 4 tháng đầu được nghỉ từ 15 – 30 ngày có lương dựa theo yêu cầu của bác sĩ. Sau 4 tháng đầu và trước giai đoạn thứ 3 của thai kỳ, nữ lao động được nghỉ 42 ngày có lương nếu bị sảy thai. Và về sau, nữ nhân viên được nghỉ 75 ngày có lương.
Trong khi đó, bà Joy Lin, nhà sáng lập tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ Wequality, cho hay dù quy định trong luật lao động đã ghi rõ, nhưng phụ nữ Trung Quốc vẫn do dự trong việc xin nghỉ phép với lý do bị sảy thai. Nguyên nhân là bởi họ xem đây là vết nhơ tại nơi làm việc.
“Sinh con là chuyện được chúc mừng vì bạn đã có đóng góp cho xã hội. Nhưng những gì liên quan tới cơ thể người phụ nữ như chuyện sinh đẻ hay quan hệ với người khác giới luôn bị xem là chuyện xấu hổ”, bà Lin cho biết.
“Sảy thai bị xem là chuyện đáng xấu hổ để nhắc tới. Tại sao cô lại bị sảy thai? Chuyện sảy thai bị xem là lỗi của người phụ nữ vì không quan tâm chăm sóc đứa trẻ trong bụng. Thậm chí, nhiều người nghĩ người phụ nữ có quá nhiều bạn tình trong quá trình mang thai”, bà Lin nói thêm.
Do đó, theo bà Lin, khi nữ lao động viết đơn xin nghỉ phép với lý do bị sảy thai, họ sẽ cảm thấy đây giống như một vết nhơ trong cuộc đời.
Bà Lin cho biết, những phụ nữ làm việc không chính thức sẽ càng khó được nhận các quyền lợi của người lao động.
“Đối với các lao động thời vụ, phần lớn họ không có bảo hiểm xã hội. Họ bán thời gian và kỹ năng của mình như một món hàng. Nếu họ không may bị sảy thai và phải nghỉ làm, họ sẽ không có lương vào khoảng thời gian này. Chuyện này khác với những nữ nhân viên chính thức”, bà Lin kết luận
SCMP trích dẫn một cuộc khảo sát cho biết, việc mua nhà của một đại gia đình ở Trung Quốc là quá đắt đỏ khiến nhiều người dân nước này từ bỏ ý định sinh con thứ hai.
Minh Thu (lược dịch)