Vì sao ngày lễ Thất tịch các bạn trẻ thường đua nhau ăn đậu đỏ?
Các bạn trẻ truyền tai nhau về phong tục ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch mà không biết ý nghĩa thực sự của nó liên quan tới một loại "đậu đỏ" khác.
Phong tục truyền thống ngày Thất tịch ở Trung Quốc và Việt Nam
Lễ Thất tịch (7/7 Âm lịch) được coi là ngày lễ tình yêu của người Trung Quốc gắn liền với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
Trong đó, Ngưu Lang là chàng trai chăn trâu nghèo, tốt bụng đã nên duyên cùng nàng tiên dệt vải Chức Nữ, con gái út của Ngọc Hoàng. Sau thời gian hai vợ chồng chung sống hạnh phúc, Chức Nữ phải về trời theo lệnh cha.
Quyến luyến vợ, Ngưu Lang đuổi theo nhưng bị con sông Thiên Hà - ranh giới hai cõi phàm tiên ngăn lại. Chàng nhất định ở đó chờ đợi cho tới khi hóa thành một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang.
Ngọc Hoàng vì cảm thương tấm chân tình của đôi vợ chồng xa nhau nên cuối cùng cho phép Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi năm gặp nhau 1 lần vào ngày Thất Tịch.
Về sau, vào đêm Thất tịch, những cô gái Trung Quốc thường cầu nguyện nàng tiên Chức Nữ để có đôi bàn tay khéo léo. Họ còn trưng bày các món đồ thủ công của mình ra để xin sớm tìm được đức lang quân như ý, yêu thương hết lòng.
Ngày vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau trở thành ngày lễ tình yêu phương Đông. |
Trong quá trình lan tỏa văn hóa, ngày lễ này đã truyền bá vào nước ta nhưng Việt hóa thành ngày Ông Ngâu - Bà Ngâu (tương tự Ngưu Lang - Chức Nữ). Vào ngày này trời thường mưa như nước mắt đôi vợ chồng nhớ thương nhau sau 1 năm xa cách. Thậm chí vì ngưỡng mộ tình yêu son sắt của cặp vợ chồng ấy mà dân gian còn đặt tên cho những cơn mưa đầu tháng 7 Âm lịch là mưa Ngâu.
Trước đây, vào dịp này, những đôi yêu nhau thường cùng nhau đi chùa cầu bình an, mong giữ mãi được tình cảm chung thủy, hoặc họ cũng có thể hẹn hò cùng tìm sao Ngưu Lang - Chức Nữ trên bầu trời để thề non hẹn biển.
Tuy nhiên, một số năm trở lại đây, các bạn trẻ Việt Nam lại thường đua nhau ăn đậu đỏ vào ngày Thất tịch với ý muốn "thoát ế", sớm tìm được người yêu, hoặc người đang yêu sẽ được bên nhau mãi mãi.
Một câu hỏi vui của bạn trẻ trên mạng xã hội về chuyện ăn đậu đỏ vào lễ Thất tịch. |
Ăn đậu đỏ ngày Thất tịch có "thoát ế" thật không?
Không có đáp án chính xác cho câu hỏi ấy, nhưng thực tế thì đậu đỏ có màu đỏ - màu tượng trưng cho may mắn trong văn hóa Á Đông và chè đậu đỏ cũng tốt cho sức khỏe nên giới trẻ khá ưa thích.
Bằng chứng là vào ngày Thất tịch các cửa hàng bán chè đậu đỏ hoặc các món ăn từ đậu đỏ vô cùng đắt khách. Số lượng sản phẩm đậu đỏ bán ra vào ngày này có thể cao gấp nhiều lần so với thông thường.
Ngoài ra, một câu chuyện liên quan tới thói quen ăn đậu đỏ vào lễ Thất tịch này có lẽ phải nhắc tới là vào năm 2001, Tập đoàn Hồng Đậu (Trung Quốc) dựa vào bài thơ Tương Tư của thi sĩ Vương Duy thời Đường có nhắc đến cây hồng đậu (trùng với tên tập đoàn, phát âm tiếng Trung cũng giống loại đậu đỏ thường ăn) nên đã tổ chức sự kiện vào ngày Thất Tịch, đặt tên là "Thất Tịch - Hồng Đậu Tương Tư Tiết”.
Loại hạt hồng đậu có màu đỏ tươi đẹp mắt. |
Loại hồng đậu trong bài thơ Tương Tư không phải là món chè đậu đỏ mà là loại cây sinh trưởng ở miền Nam Trung Quốc. Hạt hồng đậu đỏ tươi, vỏ ngoài cứng, hình trái tim, có thể bảo quản nhiều năm không hỏng. Những cặp tình nhân tặng hạt này cho nhau thay cho lời hứa chung thủy.
Giới trẻ các nước châu Á làm gì trong ngày lễ Thất tịch?
Ngày lễ Thất tịch năm 2022 sẽ diễn ra vào thứ Năm ngày 4/8 Dương lịch. Những năm gần đây, ngày lễ này được các bạn trẻ quan tâm rất nhiều.
Ngọc Khánh