Vì sao Nga đột ngột cắt giảm số lượng siêu tiêm kích T-50 PAK FA?
Siêu tiêm kích T-50 PAK FA |
“Trong điều kiện kinh tế mới, kế hoạch mua sắm loại siêu tiêm kích T-50 ban đầu sẽ được điều chỉnh lại”, Thứ trưởng Borisov giải thích.
Theo nguồn tin của tờ báo trong quân đội, trước đó, chương trình mua sắm vũ khí nhà nước đến năm 2020 (GPV-2020) đã được duyệt mua 52 siêu tiêm kích T-50.
“Tốt nhất cho chúng ta là có một số lượng dự trữ các siêu tiên kích T-50 để sau đó có thể thay thế các loại chiến đấu cơ thế hệ 4+”, Thứ trưởng Borisov mong muốn.
“Trước đó, Bộ Quốc phòng có kế hoạch mua 52 chiếc T-50 trong giai đoạn đến năm 2020 để trang bị cho Không quân. Hiện nay, Bộ chỉ có kế hoạch mua 12 chiếc T-50”, Ông Borisov cho biết.
“Chúng tôi thậm chí đã đạt được thỏa thuận về tiến độ giao hàng, cụ thể trong năm 2016-2018, Không quân Nga sẽ nhận 8 máy bay chiến đấu T-50 mỗi năm, trong giai đoạn 2019-2020 là 14 chiếc T-50 mỗi năm”, Thứ trưởng Borisov nhấn mạnh.
Theo ông Borisov, nguyên nhân cắt giảm “đột ngột” việc mua sắm các siêu tiêm kích T-50 là do tình hình kinh tế khó khăn diễn ra trong thời gian gần đây tại đất nước. Nếu không, kế hoạch này đã thực sự khả thi.
Siêu tiêm kích T-50 do Tập đoàn Sukhoi sản xuất theo chương trình phát triển tiêm kích thế hệ thứ 5 Sukhoi PAK FA. Dự án PAK FA được khởi động vào năm 2002.
Lần đầu tiên Sukhoi trình làng Su T-50 là năm 2010. Tháng 2/2014, có 5 mẫu tiêm kích T-50 đã trải qua chương trình thử nghiệm cấp nhà nước. Năm 2015, Sukhoi PAK FA đã có thêm 3 mẫu sẵn sàng dành cho thử nghiệm. Năm 2016 sẽ bắt đầu cung cấp T-50 cho quân đội.
T-50 là chiến đấu cơ có khả năng cơ động siêu phàm, khó bị radar phát hiện, có thể chiến đấu hiệu quả ở bất cứ khoảng cách nào, tấn công cả mục tiêu trên không lẫn trên bộ; được trang bị tên lửa tầm xa, tầm trung và tầm gần. Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su T-50 có thể thực hiện tác chiến trên không ở bất kỳ khoảng cách nào.