Vì sao hàng chục ngàn bệnh nhân chết trong khi vẫn có cơ hội sống?
Vẫn có hàng ngàn người khắc khoải chờ nguồn mô tạng để duy trì sự sống |
Bắt bệnh
Hiện nay, cả nước đã có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép mô, tạng, trình độ ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế.Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành ghép tạng nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự thiếu trầm trọng nguồn mô, tạng để cấy ghép, trong khi đó nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết ngày 30/6/2014, mới chỉ có 1.011 trường hợp được ghép thận, 37 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, 1 ca ghép tuỵ và 1.401 ca ghép giác mạc. Trong khi đó, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mãn tính cần được ghép, trên 1.500 người được chỉ định ghép gan và khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có khoảng 6.000 đang chờ được ghép giác mạc cùng hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi...
“Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép trong khi nguồn mô, tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh. Đây là một sự lãng phí lớn và đang đặt ra cho chúng ta nhiều trăn trở” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Mặc dù từ năm 2007, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực thi hành. Trước đó vào năm 2006 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế, trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013 tuy nhiên đến nay tình trạng khan hiếm nguồn mô dự trự vẫn khan hiếm trầm trọng.Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chủ yếu là do nhận thức của nhân dân về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao. Đặc biệt việc tuyên truyền về hiến mô, tạng sau khi chết, chết não còn nhiều hạn chế, chưa đến được với đông đảo người dân. Bên cạnh đó việc thiếu hệ thống cung cấp thông tin, tư vấn và đăng ký hiến tặng cũng là những thách thức đang đặt ra với ngành y tế.
Biện pháp duy nhất cho người mắc bệnh hiểm nghèo
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, ghép tạng hiện được xem là biện pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối và nâng cao chất lượng sống của người bệnh. Chẳng hạn, một trường hợp bệnh nhân 74 tuổi đã được ghép gan do bệnh lý ung thư, sau 18 tháng ghép gan, bệnh nhân này đã khỏe mạnh trở lại, sinh hoạt bình thường. Tất nhiên, để có được một cơ thể khỏe mạnh sau phẫu thuật, người bệnh phải tuân thủ mọi yêu cầu của bác sĩ và sử dụng thuốc chống thải ghép đúng chỉ định.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho rằng, nguồn tạng hiến là vô cùng quan trọng. Khi ngân hàng tạng hiến nhiều hơn, nguồn tạng hiến thường xuyên hơn thì chắc chắn sẽ có nhiều người bệnh được cứu sống; hơn nữa, chi phí ghép tạng sẽ giảm, giúp tăng khả năng tiếp cận của những người bệnh nghèo có nhu cầu được ghép tạng.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền tới người dân về việc hiến mô tạng, Bộ Y tế mới đây đã quyết định thành lập Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hội sẽ phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng đề án truyền thông vận động hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam, giai đoạn 2015-2020. Đồng thời xây dựng chương trình hành động thiết thực để có thể triển khai hoạt động trong thời gian sớm nhất.