Vì sao chỉ hơn 40 ngày, TP.HCM có hơn 6.000 ca mắc?
Theo PGS Nhung chu kỳ lây nhiễm ở TP.HCM đã âm thầm từ rất lâu, đến nay sau hơn 40 ngày vẫn khó “cắt đuôi” virus, số ca mắc vẫn có ở khu phong tỏa và phát hiện trong cộng đồng khi người dân tới các cơ sở y tế.
Trong ngày 5/7, TP.HCM đã ghi nhận 371 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có nhiều ca ngoài cộng đồng đang được điều tra nguồn lây. Hiện TP.HCM là địa phương có số ca mắc nhiều nhất cả nước.
40 ngày kể từ khi bùng dịch, chu kỳ 1.000 ca nhiễm của TP.HCM ngày càng ngắn lại. Ngày 1/7, TP.HCM vượt mốc 4.000 ca nhiễm. Ngày 3/7, thành phố ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm. Ngày 4/7, thành phố cán mốc 6.000 ca, đến 12h trưa 5/7 lại thêm 371 ca nhiễm nữa.
Sở Y tế TP.HCM dự đoán số ca mắc trong thời gian tới tiếp tục tăng lên khi thành phố tiến hành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Hiện TP.HCM đã đưa phương án khu vực nguy cơ lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình. Ví dụ gia đình 4 người lấy mẫu đại diện 1 người, trên 5 người lấy mẫu 2 người. Việc sử dụng lấy mẫu xét nghiệm đại diện hộ gia đình cũng được thực hiện tại Đà Nẵng vào tháng 5/2021 và được giới chuyên gia đánh giá phù hợp với khu vực có dân số đông.
Vì sao số ca mắc tăng?
Theo PGS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc BV Phổi Trung ương, TP.HCM số ca nhiễm tăng nhiều những ngày gần đây là do xét nghiệm nhiều. PGS Nhung cho rằng việc xét nghiệm “vét F0” như hiện tại là đúng hướng và khả năng số ca nhiễm sẽ vẫn tăng trong vài ngày tới sau đó lại dừng lại bởi vì giống như “bắt cá trong bể” cuối cùng vẫn vây được dịch.
Hiện công tác chỉ đạo chống dịch của TP.HCM đã thay đổi và thực tế hơn. Việc xét nghiệm người dân trong các khu cách ly, phong tỏa, người có nguy cơ đến viện cần thực hiện nhanh hơn và trả kết quả nhanh để chúng ta có thể xác định được F0.
Dịch ở TP.HCM “loang”, theo PGS Nhung do virus đã âm thầm lây trong cộng đồng và chúng ta phát hiện chậm, chu kỳ lây nhiều giai đoạn nên hiện tại chỉ có xét nghiệm rộng rãi mới đảm bảo vây được ca nhiễm.
Sống chung với dịch
Về vấn đề sống chung với dịch, những ngày qua có nhiều ý kiến cho rằng số ca mắc tăng liên tục, chúng ta có nên chuẩn bị tâm lý sống chung với dịch hay không? Theo thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm – BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, không thể sống chung với dịch. Chỉ khi nào người nhiễm không có triệu chứng, nguy cơ tử vong thấp có như vậy mới chung sống với dịch được.
Còn tại Việt Nam, thạc sĩ Khiêm cho rằng chúng ta chưa đạt được điều này. Nếu chúng ta sống chung với dịch, buông bỏ không có các biện pháp phòng chống tích cực thì số ca mắc tăng, ca tử vong sẽ tăng, hệ thống y tế quá tải sẽ trả giá bằng sinh mệnh người bệnh. Chính vì thế, hơn 1 năm qua chúng ta vẫn gồng mình chống dịch và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế.
Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm khu vực liên quan ca nhiễm. |
Mặc dù tình hình dịch bệnh ở khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam căng thẳng nhưng chúng ta vẫn đang phải chiến đấu với Covid-19 và cần vắc xin để thoát được dịch virus.
Thạc sĩ Khiêm cho rằng chỉ có vắc xin mới sống chung được với dịch. Đến nay, vắc xin Covid-19 sản xuất và ra đời nhanh và nó đang giúp cho con người có thể sống chung với virus.
Đặc tính của virus luôn luôn đột biến nên có thể sinh ra chủng virus mới vượt qua hàng rào vắc xin nhưng chắc chắn vắc xin hiện nay có khả năng chống lại phần lớn chủng virus đang lưu hành kể cả chủng Delta. Giá trị lớn nhất của vắc xin hiện nay là nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc nhiễm nặng thì cũng giảm tỷ lệ tử vong. Nếu 1 người đã được tiêm vắc xin Covid-19 thì gần như bệnh nặng và tử vong do Covid-19 rất ít.
Khi vắc xin ở Việt Nam còn hạn chế nguồn cung, Thạc sĩ Khiêm khuyến cáo việc của chúng ta là phòng chống bằng các biện pháp 5K.
Việc sống chung với dịch, PGS Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng hiện chưa thể nói là sống chung với dịch, tạo miễn dịch cộng đồng tự nhiên. Ví dụ như Thụy Điển năm 2020 cũng đưa ra miễn dịch cộng đồng tự nhiên nhưng số mắc và tử vong cao quá. Vì vậy, chúng ta cần chọn miễn dịch cộng đồng qua vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng chống.
PGS Phu cho rằng chỉ “sống chung” khi dân đã có miễn dịch từ vắc xin. Các bệnh dịch đều tạo miễn dịch cộng đồng bằng 70% dân số. Vì vậy, với dịch Covid-19 thì Việt Nam cần tiêm khoảng 70 triệu dân và cần khoảng 150 triệu liều.
“Nếu chỉ để riêng TP. HCM có miễn dịch cộng đồng cũng khó vì sự giao lưu đi lại rất lớn” – PGS Phu nói.
Khánh Chi