Về tay đại gia Phương Hữu Việt, Chứng khoán Đại Nam đổi tên mới
Ngày 18/8/2021, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp giấy phép điều chỉnh cho Công ty Cổ phần chứng khoán Đại Nam được thay đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần chứng khoán DNSE.
Chứng khoán Đại Nam mang diện mạo mới với tên gọi mới. |
Theo đó, CTCP chứng khoán Đại Nam sẽ đổi tên thành CTCP chứng khoán DNSE, tên viết tắt DNSE Jsc.
CTCP chứng khoán DNSE được thành lập từ 30/10/2017 với vốn điều lệ ban đầu là 38 tỷ đồng. Tháng 7/2021, DNSE đã tăng vốn điều lệ thành công lên 1.000 tỷ đồng và trở thành một trong 27 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Tháng 7/2020, CTCP tài chính công nghệ EnCapital đã tham gia tiếp quản và hỗ trợ DNSE triển khai các giải pháp công nghệ mới. Sau 3 tháng tiếp quản, DNSE đã ra mắt ứng dụng Entrade X by DNSE – nền tảng giao dịch chứng khoán cơ sở miễn phí giao dịch cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT DNSE, cũng chính là Tổng Giám đốc CTCP công nghệ tài chính EnCapital. Vào tháng trước, EnCapital tuyên bố đã huy động thành công thêm 24 triệu USD cho Chứng khoán Đại Nam nhằm giúp công ty này nâng cao năng lực tài chính, đầu tư phát triển công nghệ và mở rộng khách hàng cho nền tảng giao dịch chứng khoán Entrade X.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị DNSE, đồng thời là Tổng Giám đốc CTCP công nghệ tài chính EnCapital. |
CTCP công nghệ tài chính EnCapital được thành lập tháng 8/2018. Từ tháng 6/2020 đến nay, EnCapital đã thực hiện đầu tư và mua thành công 2 doanh nghiệp trong ngành là DNSE và CTCP Wigroup.
Tuy nhiên, đại gia bí ẩn đứng sau EnCapital và DNSE chính là ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Việt Á (VietABank). Cá nhân ông Việt và doanh nghiệp của ông, CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, sở hữu tới 17,27% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Ông Phương Hữu Việt còn gián tiếp đầu tư vào DNSE thông qua hai doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Việt Phương Group là Capella Group và Encapital Fintech. Ngoài việc tham gia đầu tư vào DNSE, Capella Group còn là một “ông lớn” trong lĩnh vực đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, cốt lõi là Capella Land được thành lập từ tháng 5/2015, đầu tư vào nhiều pháp nhân là Công ty TNHH Đầu tư Capella Hà Nam (chủ đầu tư khu công nghiệp Thanh Liêm, quy mô 293 ha ở Hà Nam), CTCP Capella Quảng Nam (chủ đầu tư khu công nghiệp Tam Thăng II, quy mô 103 ha, tại khu kinh tế mở Chu Lai) và Công ty TNHH Đầu tư Capella Bắc Giang (cụm công nghiệp Nham Sơn – Yên Lư, quy mô 75 ha).
“Đế chế” của ông Phương Hữu Việt còn có Infinity Group và LEC Group. Infinity Group là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trong khi LEC Group hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực logistics, bao gồm các dịch vụ cảng, kinh doanh kho bãi, vận chuyển.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp như LEC Group, EnCapita, Capella Group, Infinity Group, hay thậm chí cả VietABank đều hoạt động xoay quanh tập đoàn Đầu tư Việt Phương của vị đại gia Phương Hữu Việt.
Tuân Nguyễn
VietABank được chấp thuận niêm yết, Chủ tịch Phương Hữu Việt giàu cỡ nào?
Chủ tịch HĐQT VietABank Phương Hữu Việt còn là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, tổ chức sở hữu 12,21% vốn điều lệ của ngân hàng. Nếu tính cả cổ phần do Việt Phương sở hữu, ông Việt nắm giữ 17,27% vốn điều lệ của VietABank.