Vất vả chui, trèo rào sắt chặn đường qua lại giữa Thanh Hóa, Ninh Bình
Nhiều hàng rào bằng sắt được dựng lên ở những con đường dân sinh qua sông Càn giáp ranh giữa 2 tỉnh Thanh Hóa - Ninh Bình để phòng chống dịch trước đó khiến người dân gặp khó khăn khi lưu thông giữa hai tỉnh
Nhiều hàng rào chắn cứng được phía Kim Sơn (Ninh Bình) dựng lên để ngăn chặn người qua lại 2 tỉnh. |
Theo tìm hiểu của PV, hàng rào sắt được các xã Lai Thành, Định Hóa, Văn Hải (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) dựng tại các đường dân sinh bên bờ sông Càn nhiều tháng nay để ngăn người dân ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) sang Ninh Bình và ngược lại.
Ghi nhận sáng 9/11, dọc sông Càn bên phía xã Nga Điền (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) tại các con đường dân sinh bắc qua sông sang huyện Kim Sơn (Ninh Bình), nhiều hàng rào bằng cánh cửa sắt, tấm tôn... được dựng, hàn cố định trên cầu, đê bên phía tỉnh Ninh Bình. Để đi lại giữa 2 bên, nhiều người đã phải chui hoặc trèo qua rào chắn rất nguy hiểm.
Bà Đinh Thị Hằng (trú xóm 6, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn) cho biết: "Trước đây, khi tình hình dịch bệnh bùng phát thì cả Nga Sơn và Kim Sơn đều rào để chặn đường không cho người dân 2 bên qua lại. Nhưng khi tình hình dịch bệnh ổn định, bên Nga Sơn đã gỡ rào chắn, chỉ còn bên Kim Sơn vẫn để lại".
Chỉ vào hàng rào chắn kiên cố trên cầu ông Khoát bắc ngang sông Càn, một người dân xã Nga Điền bức xúc: "Nhà tôi ngay cạnh đây, mọi công việc của tôi đều bên Định Hóa, bình thường chỉ cần qua cầu vài chục mét là đến nơi, nhưng họ ngăn như vậy tôi buộc phải đi đường cầu Điền Hộ (QL 10 - PV), vòng xa hơn chục cây số. Bây giờ phải sống chung, đò qua sông họ đã cho chèo, đường chính cũng đã mở nhưng các đường này họ vẫn chưa mở, gây bất tiện cho người dân".
Theo một số người dân không đi đường vòng xa chục cây km, sáng họ đi làm thì gửi xe ở đầu cầu bên này (Nga Điền) rồi trèo qua rào chắn sang bên Định Hóa lấy xe đã gửi sẵn bên đó để đi làm.
Hàng rào kiên cố khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. |
Ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Nga Điền (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) cho biết: "Trước đây khi có dịch thì chúng tôi cũng rào đường và họ cũng rào lại. Bên này đã tháo rào khá lâu để người dân lưu thông nhưng bên phía Ninh Bình họ vẫn giữ nguyên các hàng rào. Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ thì làm như vậy là ngăn sông, cấm chợ".
"Địa phương của họ, họ giữ nên rất khó và là cả một vấn đề. Chúng tôi có làm việc với họ thì chưa chắc họ đã quyết được, do vậy, chúng tôi không có chủ trương làm việc với họ để thống nhất việc này được", ông Tân nói.
Cũng theo Chủ tịch xã Nga Điền, cấp xã không đủ thẩm quyền làm việc với nhau, các xã phải làm việc theo chủ trương của địa phương mình nên phải chờ chính quyền 2 huyện Nga Sơn và Kim Sơn làm việc với nhau.
"Đối với Nga Điền, khi nào có chủ trương của huyện mới lập chốt, nhưng vẫn chú trọng công tác phòng chống dịch trên địa bàn", ông Tân thông tin thêm.
Dùng cả tấm tôn để dựng ở giữa cầu dân sinh qua lại |
Các hàng rào chắn dọc sông Càn trên địa bàn các xã Lai Thành, Định Hóa, Văn Hải, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) tồn tại nhiều tháng qua. |
Sáng 10/11, trao đổi với PV về việc các xã Lai Thành, Định Hóa, Văn Hải lập hàng rào ngăn người qua lại, ông Trần Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cho biết: "Chúng tôi đã giao trách nhiệm cho Chủ tịch các xã chủ động phối hợp giữa 2 bên để tháo gỡ rào chắn cũng như bến đò thực hiện theo Nghị quyết 128. Chắc xã họ chưa tháo ra. Tôi sẽ trao đổi lại với xã để họ thực hiện luôn việc tháo gỡ hàng rào".
Hà Nội: Phường Phú Đô có hơn 50 F0, nhiều người muốn 'thoát' khỏi khu phong tỏa
Chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Công Trình, Bí thư Đảng ủy phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) cho biết hiện tại phường đã ghi nhận trên 50 ca F0 trong cộng đồng.
Trần Nghị