Vẫn mang thai và sinh hoạt vợ chồng sau khi bị ung thư cổ tử cung
Trước kia, bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung đồng nghĩa phải cắt bỏ hết cổ tử cung và hầu như không thể mang thai, quan hệ tình dục cũng khó khăn. Nhiều bệnh nhân phải ly hôn sau khi điều trị ung thư nhưng giờ đã khác.
Có con được sau phẫu thuật
Một cặp vợ chồng trẻ tìm tới bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM với tâm trạng ủ rũ. Người vợ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Cả hai mới lập gia đình cần sinh một đứa con.
Bệnh nhân đã được tầm soát để sinh con và làm sinh thiết tại một bệnh viện sản phụ khoa lớn kết quả thật bất ngờ với vợ chồng cô gái: ung thư cổ tử cung giai đoạn IB với bướu 1cm.
Theo yêu cầu phải cắt hết tử cung. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tìm hiểu và biết có thể phẫu thuật bảo tồn nên cô gái tìm đến khoa ngoại phụ khoa xin bằng mọi giá bảo tồn cho vợ chồng có một đứa con.
Trường hợp này, bác sĩ Tiến cho biết may mắn cho bệnh nhân, bệnh ung thư cổ tử cung của cô đáp ứng tất cả những yêu cầu nghiêm ngặt để mổ bảo tồn và đáng mừng hơn nữa bệnh nhân này được áp dụng một kỹ thuật phẫu thuật mới mà hiện nay mới thực hiện lần đầu tại Việt Nam: phẫu thuật bảo tồn sinh sản bằng phương pháp khoét chóp cổ tử cung rộng qua ngả âm đạo và phẫu thuật nội soi nạo hạch chậu hai bên.
Với loại phẫu thuật này sẽ làm tăng khả năng thụ thai sau này từ 50-60% lên tới 80-90% vì cổ tử cung còn rất dài đảm bảo giữ được thai trong quá trình mang thai. Về mặt ung thư vẫn bảo đảm an toàn tuyệt đối: bướu kích thước <1cm, chưa xâm lấn mạch máu khoang lympho, carcinom tế bài gai và sinh thiết lạnh tức thì với diện cắt và hạch chậu không có tế bào ung thư.
Không chỉ phẫu thuật bảo tồn âm đạo, bác sĩ Tiến cho biết hiện nay khoa ngoại 1 đã thực hiện thành công gần vài chục trường hợp nối dài âm đạo cho những phụ nữ trẻ trong trong thời kỳ còn hoạt động tình dục không may bị ung thư phụ khoa mà phải cắt đi cả tử cung và một nửa âm đạo làm cho đời sống vợ chồng không còn như trước.
Bác sĩ Tiến cho biết có rất nhiều hoàn cảnh thương tâm, chia ly của những cặp vợ chồng, tình nhân không phải vì bệnh tật mà vì lý do người bạn đời không thể đáp ứng được nhu cầu sinh lý.
Thấu hiểu những việc tưởng chừng như rất nhỏ không làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị ung thư, nhưng thật ra đây là vấn đề quan trọng trong phác đồ điều trị toàn diện.
Hiện tại trên chục bệnh nhân đã được phẫu thuật và rất hài lòng, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ.
Bác sĩ Tiến cho biết tương lai không những phẫu thuật này chỉ thực hiện trên bệnh nhân ung thư phụ khoa mà còn có thể nhận phẫu thuật cho bệnh nhân đã bị cắt ngắn âm đạo trước đây.
Quyết tâm không những điều trị khỏi bệnh, điều trị kéo dài tăng tỉ lệ sống còn của người bệnh ung thư phụ khoa mà còn nâng cao chất lượng sống giúp cho người bệnh và gia đình giảm bớt phần nào những đau thương mất mát mà người phụ nữ phải gánh chịu. Đó là tâm quyết của những người làm công tác điều trị ung thư phụ khoa.
Ca phẫu thuật của bác sĩ Tiến cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung |
Thủ phạm gây ung thư cổ tử cung
Bác sĩ Tiến cho biết ung thư cổ tử cung là ung thư thường gặp ở phụ nữ, đứng hàng thứ 2 sau ung thư vú. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong. Với những tiến bộ của y khoa hiện đại, bệnh này được chữa khỏi gần 100% các trường hợp nếu bệnh được phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung lại rất khó chữa.
Thủ phạm hàng đầu gây ung thư cổ tử cung là nhiễm virus HPV. Một số yếu tố được xem là tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển ung thư cổ tử cung như:
• Phụ nữ quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) hoặc quan hệ với nhiều người.
• Dùng thuốc tránh thai kéo dài.
• Sinh đẻ nhiều (từ trên 4 lần); hút thuốc lá;
• Tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt là viêm sinh dục do nhiễm Trichomonas, Chlamydia trachomatis, Herpes simplex virus type 2 (HSV2)…
• Các yếu tố khác như: nghèo nàn, lạc hậu, vệ sinh kém, thực phẩm nghèo chất dinh dưỡng (sinh tố A, acid folic, trái cây, rau tươi…).
Bác sĩ Tiến cho biết việc tầm soát sẽ giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, từ đó ngăn chặn tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh.
Khánh Chi