Vẫn chưa sử dụng hiệu quả mạng xã hội trong công tác TTĐN
Tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác TTĐN, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 vừa diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã thẳng thắn chỉ rõ hàng loạt bất cập trong công tác TTĐN.
Công tác TTĐN vẫn chưa phát huy sức mạnh của mạng xã hội. Ảnh minh họa: Internet. |
Đáng chú ý là trong thế giới phẳng hiện nay, các phương thức truyền thông hiện đại qua mạng Internet như mạng xã hội đã rất phổ biến, thế nhưng vẫn chưa được đẩy mạnh ứng dụng trong công tác TTĐN. Hiện vẫn chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TTĐN để phục vụ tra cứu, quảng bá hình ảnh quốc gia. Các cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử chưa phát huy tốt vai trò công tác TTĐN. Hiện vẫn chưa có trang TTĐN thống nhất, chẳng hạn như trang về biển đảo Việt Nam để thống nhất tuyên truyền và nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Cũng theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, rút kinh nghiệm thời gian qua trong công tác tuyên truyền biển đảo, nên chăng sớm xây dựng những kịch bản dự kiến tình huống để tuyên truyền ở từng cấp độ một cách chủ động hơn. Thậm chí nếu có thể được thì có thể tập huấn chiến thuật theo từng tình huống dự kiến để về sau áp dụng nếu cần thiết.
Theo kế hoạch, đầu năm 2015, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về TTĐN. Căn cứ vào Nghị định này, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, Bộ, ngành, địa phương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành nghị định và tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản pháp luật về TTĐN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhìn chung nội dung TTĐN vẫn còn nghèo nàn. Hình ảnh của Việt Nam chưa được quảng bá tương xứng với tầm vóc, vị thế của đất nước hiện nay. Thông tin về thế giới vào Việt Nam cũng chưa kịp thời đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân trong quá trình hội nhập quốc tế. Và thông tin cũng chưa trợ giúp thiết thực cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm cơ hội làm ăn với đối tác nước ngoài, cũng như chưa cảnh báo kịp thời để các doanh nghiệp phòng tránh, ứng phó với rủi ro khi hội nhập kinh tế quốc tế.
Công tác tổ chức sản xuất các xuất bản phẩm về TTĐN chưa tốt. Chưa có kế hoạch chung, số lượng các sản phẩm còn ít và chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Về mặt quản lý Nhà nước trong công tác TTĐN, nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý vẫn chưa nhận thức rõ yêu cầu nhiệm vụ cụ thể công tác TTĐN trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực như hiện nay, thiếu kiến thức và kỹ năng công tác thông tin truyền thông nói chung và TTĐN nói riêng. Đến giờ vẫn có gần 20 tỉnh thành phố, hơn 10 Bộ chưa tổ chức tập huấn công tác TTĐN cho cán bộ chủ chốt, và chưa ban hành kế hoạch công tác TTĐN hàng năm, cũng chưa bố trí kinh phí và hầu như chưa có các hoạt động TTĐN đáng kể.
Dự kiến sẽ có 4 nội dung trọng tâm của công tác TTĐN trong 3 năm (2015 – 2017), gồm: Hoàn thiện nội dung văn bản pháp luật, cơ chế chính sách; Bố trí cán bộ phụ trách hoạt động TTĐN, UBND các cấp thành lập Ban chỉ đạo quản lý Nhà nước về TTĐN và Ban Giúp việc để triển khai hoạt động; Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo và biên giới lãnh thổ quốc gia; Phổ biến tuyên truyền về thành tựu bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc.
Trong khi đó, Nhà nước vẫn chưa xác lập được một khoản kinh phí ổn định thường xuyên cho các hoạt động TTĐN. Kinh phí hoạt động TTĐN chủ yếu được trích từ nguồn kinh phí hoạt động chung của Bộ, ngành, địa phương, dẫn đến hệ quả là Chính phủ không kiểm soát được kinh phí chi cho các hoạt động TTĐN, phần lớn các sở, ban, ngành cấp tỉnh triển khai bằng nguồn kinh phí chi hoạt động thường xuyên, vừa hạn hẹp vừa không đều. Các chương trình phát thanh truyền hình đối ngoại được thực hiện chủ yếu theo cơ chế bao cấp, không qua đấu thầu cạnh tranh, chưa tạo được động lực để thường xuyên cải tiến nâng cao chất lượng và hiệu quả TTĐN.