Va vào bạn cũng chấn thương sọ não: Bác sĩ chỉ ra dấu hiệu phát hiện chấn thương não ở trẻ
Trong quá trình đi học, trẻ nhỏ chơi với bạn bè có thể xảy ra các tình huống nô đùa, va đập vào vùng đầu... nên cha mẹ cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo có thể trẻ bị chấn thương sọ não.
Bác sĩ Lê Quang Mỹ, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cho biết các bác sĩ tại bệnh viện vừa phẫu thuật cho bé N.V.T (8 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị chấn thương não sau khi va vào bạn ở lớp học.
Theo đó, bé T. được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu trong tình trạng đau đầu, nôn ói. Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết bé đang chơi ngoài sân, sau đó vội chạy vào lớp và vô tình va vào bạn nên ngã xuống đất đập đầu vào bục giảng. Ngay tại lớp, bé cảm thấy đau đầu, nôn ói nên được nhà trường đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu.
Tại đây, bé T. được chụp CT, kết quả ghi nhận có tụ một khối máu bầm trên não nhưng không nhiều và tiếp tục theo dõi. Khoảng một lát sau, bệnh nhi vẫn tiếp tục ói nên được nhanh chóng chuyển Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu.
Bác sĩ Mỹ cho biết vì tình trạng diễn tiến rất nhanh nên bệnh nhi hôn mê sâu, máu bầm chèn ép não. Nhanh chóng, các bác sĩ đã tiến hành mổ tập trung lấy được máu bầm, giải áp cho não và lấy được hơn 100ml máu trong não tụ ra ngoài.
Theo bác sĩ Mỹ, trong phẫu thuật thần kinh, thời gian là rất quan trọng, việc chạy đua với thời gian quyết định sự sống còn và cơ hội bình phục của trẻ về sau. Bởi theo y học, não chỉ thiếu oxy tối đa trong vòng 3 phút, nếu quá thời gian này thì mức tổn thương càng lớn.
BS Nguyễn Quang Hưng – Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ cho biết trẻ bị chấn thương sọ não không điều trị kịp rất nguy hiểm.
Đặc biệt, các tình huống hay gặp ở trẻ bị chấn thương sọ não như trẻ đi học bị té ngã hoặc bị bạn bè đánh, vô ý va chạm. Những tai nạn này bố mẹ ít phát hiện được vì không được chứng kiến.
Nguy cơ chấn thương sọ não ở trẻ từ tai nạn học đường. |
Trẻ bị chấn thương sọ não khi nô đùa cùng bạn bè là tình huống bất ngờ, không biết khi nào trẻ ngã. Vì vậy, bác sĩ Hưng cho biết nếu gặp trẻ lừ đừ, khóc, đau đầu thì cha mẹ cần lưu ý.
Chấn thương sọ não ở trẻ em triệu chứng khó phát hiện. Ở trẻ có khả năng trình bày triệu chứng, nói với cha mẹ thì dễ hơn. Nhưng trẻ nhỏ hơn thì khó phát hiện. Cha mẹ nên lưu ý trẻ có biểu hiện li bì, bỏ ăn, khóc… những triệu chứng này gợi ý trẻ có dấu hiệu bất thường. Một vài trẻ có triệu chứng rõ hơn nôn ói, co giật… có máu tụ dưới da.
Trong quá trình làm chuyên môn, Bác sĩ Hưng cho biết bác sĩ thường xác định trẻ có chấn thương sọ não bằng kinh nghiệm chuyên môn của mình. Nhiều trẻ tới phòng khám thông thường thì bác sĩ cũng khó nhận diện trẻ có bị chấn thương sọ não hay không.
Nếu có tình huống ngã, không kèm theo dấu hiệu nguy hiểm như nôn ói, li bì thì cha mẹ cũng không nên quá lo.
Khi trẻ có dấu hiệu rầm rộ thì nên cho trẻ đi chụp CT scan não để đánh giá não của trẻ có bất thường không. Các triệu chứng nghi ngờ chấn thương sọ não không nên theo dõi tại nhà.
Nếu trẻ không có tác động của ngoại lực, không té ngã nhưng đau đầu, nôn ói thì cha mẹ có thể cho trẻ đi chụp MRI để đánh giá tổn thương có thể do dị dạng mạch máu não bị vỡ.
BS Hưng cho biết có bệnh nhân ngã từ hôm trước nhưng trẻ có triệu chứng giống các bệnh vặt, chán ăn, mệt đến hôm sau mới nôn ói, tri giác lơ mơ cha mẹ cho trẻ tới bệnh viện thì đã quá muộn vì có máu bầm trong não.
Điều trị chấn thương sọ não cho trẻ, bác sĩ Hưng cho biết khi trẻ bị chấn thương sọ não, nếu máu tụ không nhiều bệnh nhân được điều trị nội khoa, giảm đau, chống sung nề và theo dõi sát về triệu chứng lâm sàng.
Nếu thể tích máu tụ không thay đổi theo chiều hướng xấu thì điều trị bảo tồn. Còn thể tích máu tụ tăng, tri giác ảnh hưởng thì phải phẫu thuật lấy máu tụ. Với trẻ em do xương sọ mềm nên khi có tác dụng của ngoại lực có thể gây lõm sọ bác sĩ khoan lỗ sọ và dùng dụng cũ đẩy vùng lõm lên.
Đây cũng là phẫu thuật nhẹ nhàng. Trường hợp máu tụ nhiều chèn ép não phải mở sọ để tìm điểm chảy máu và giải áp để tránh phù não sau mổ.
Các tai nạn học đường đa phần chấn thương nhẹ, phổ biến nên học sinh, giáo viên và gia đình ít chú ý. Dù không phải sự va chạm nào cũng an toàn nhưng nếu sau va chạm trẻ xuất hiện những dấu hiệu như đau nhức phần va đập, nôn ói thì cần được đưa đi thăm khám ngay lập tức, tránh những biến chứng nghiêm trọng xảy ra với trẻ.
Khánh Chi