Unilever Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt chuỗi giá trị phi phát thải đến năm 2039
Doanh nghiệp này cũng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn bộ chuỗi giá trị đến năm 2039, từ đó góp phần vào tầm nhìn phi phát thải của Chính phủ Việt Nam vào năm 2050.
Unilever Việt Nam đã thay thế tất cả nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong lò hơi của các nhà máy bằng nguồn năng lượng tái tạo – viên gỗ sạch biomass được tái chế từ 100% pallet hư hỏng, gỗ vụn, trấu... Doanh nghiệp cũng cam kết sử dụng 100% điện và nhiệt tái tạo trong hoạt động kinh doanh thông qua chứng chỉ năng lượng tái tạo IREC đối với nguồn điện đang sử dụng tại tất cả các nhà máy và văn phòng tại Việt Nam.
Đến nay, Unilever Việt Nam đã giảm 55% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì – sớm hơn mục tiêu của tập đoàn đến 3 năm – nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái sinh PCR. Đây là kết quả từ quá trình nghiên cứu, áp dụng công nghệ và đổi mới vào phát triển cấu trúc bao bì.
Doanh nghiệp đang thay thế các hóa chất có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch bằng carbon tái tạo hoặc tái chế. Trong ngành hàng chăm sóc gia đình, Tập đoàn Unilever ước tính phương pháp này sẽ giúp giảm đến 20% lượng khí thải nhà kính của sản phẩm.
Tại Việt Nam, ngành hàng chăm sóc gia đình từ Unilever đã triển khai chiến dịch “Tương lai xanh” đầu năm 2022, hướng đến mục tiêu phát triển công thức sản phẩm giúp tiết kiệm nước và có khả năng phân hủy sinh học, đồng thời sử dụng 100% nguyên liệu đầu vào có khả năng tái chế hoặc tuần hoàn.
Tới thời điểm hiện tại, Unilever Việt Nam đã bước đầu giảm 100% phát thải CO2 và giảm 100% rác thải là bìa carton cho hoạt động vận chuyển bao bì từ nhà cung cấp bao bì công ty Dynaplast; chuyển đổi sang sử dụng 100% xe nâng điện, góp phần giảm 1.999 tấn CO2 phát thải tại các trung tâm phân phối vào cuối năm 2021 so với năm 2020; đồng thời triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong việc quản lý rác thải, biến rác thải trở thành nguồn năng lượng và phân bón lành mạnh, trở lại phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Tuân Nguyễn