Ùn ùn tháo chạy khỏi trường mầm non tư thục, người mua lạnh nhạt ép giá
Đóng cửa liên tục nhiều tháng liền trong khi vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng hàng trăm triệu đồng mỗi tháng ở những vị trí đắt đỏ khiến nhiều chủ trường mầm non tư thục rơi vào cảnh kiệt quệ buộc phải rao bán, sang nhượng trường
Hiện nay, hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non tư thục là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19. Rất nhiều chủ cơ sở không chịu nổi thua lỗ kéo dài, không thể trụ được với gánh nặng chi phí mặt bằng nên đã phải chấp nhận sang nhượng cơ sở.
Sau hơn 1 tháng đăng thông tin sang nhượng cơ sở mầm non của mình tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), chị Lê Thị Thảo vẫn chưa sang nhượng được trường vì bị người mua ép giá.
Chị Thảo kể cơ sở mầm non của chị thành lập từ cuối năm 2019, hoạt động chưa được bao lâu đã phải đóng cửa do dịch Covid-19. Không còn cách nào khác, chị phải đành rao bán trường dù đã đầu tư gần 1 tỷ vào đó.
"Tôi từng làm giáo viên mầm non hơn 10 năm, sau đó làm quản lý cho một số cơ sở và cuối cùng được ủng hộ của chồng nên tôi quyết định mở cơ sở mầm non của riêng mình. Tất nhiên, khi mở trường vì muốn thu hút lượng học sinh đông nên tôi chọn vị trí trung tâm và thuê 2 căn biệt thự liền kề thông nhau.
Hoạt động chưa đầy nửa năm với số học sinh cũng khá đông nhưng chưa kịp thu hồi vốn thì dịch bệnh ập đến.
Lúc đầu tôi nghĩ chỉ nghỉ chừng 1, 2 tháng thôi chứ đâu có ngờ nghỉ lâu như vậy. Năm nay nghỉ nguyên từ tháng 4 đến giờ, trong khi tháng nào cũng phải đóng đủ tiền nhà 150 triệu đồng. Cực chẳng đã tôi phải buông thôi, chứ không biết khi nào hết dịch mà giờ cũng không trụ nổi nữa", chị Thảo cho hay.
Nhiều trường mầm non tư thục đang có nhu cầu sang nhượng tại Hà Nội. |
Gần 2 tuần nay, anh Ngô Bá Tuấn (quê Thái Bình) chủ một trường mầm non chất lượng cao tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng rất tích cực tham gia các hội nhóm sang nhượng trường để đăng bài rao bán, sang nhượng trường.
Hằng tháng, anh Tuấn phải trả tiền lãi ngân hàng, tiền mặt bằng dù đã được chủ giảm 10% nhưng vẫn phải chi lên đến trăm triệu đồng nên anh không trụ nổi.
“Tôi có 2 cơ sở, đợt dịch năm 2020 đã phải xoay xở nhiều cách, vay mượn gia đình, bạn bè để trang trải chi phí mỗi tháng, giữ trường nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận sang nhượng một cơ sở cho bớt gánh nặng.
Sau đó, trường được mở lại nên có nguồn thu và đến tháng 4/2021 thì đóng cửa đến giờ cũng gần 8 tháng. Với tình hình hiện tại tôi cũng không biết khi nào học sinh mầm non mới được đến trường nên buộc phải sang nhượng trường vì không chịu nổi chi phí”, anh Tuấn nói.
Anh Tuấn cho biết bản thân rất tiếc nuối khi phải bỏ ngang nhưng vì dịch bệnh nên không thể làm khác.
Gắn bó với nghề 10 năm qua, chưa bao giờ chị Nguyễn Hà An chủ trường mầm non tại quận Tây Hồ (Hà Nội) cảm thấy buồn như lúc này. Kể từ khi dịch bệnh ập đến vào đầu năm 2020, rất nhiều lần trường học của chị đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Người có nhu cầu mua lại trường mầm non ở thời điểm này vô cùng hiếm. |
Bản thân chị Hà An cũng đã xoay đủ nghề từ bán hàng qua mạng đến nấu đồ ăn ship tận nhà với hi vọng nhặt nhạnh từng đồng để cố trụ lại với nghề. Thế nhưng lần này, ròng rã gần 8 tháng trường học đóng cửa, tài chính kiệt quệ, mọi cố gắng của chị đều vượt quá giới hạn nên buộc phải tìm người sang nhượng trường gấp.
“Khốn khổ nhất là thời điểm này có muốn sang nhượng cũng không dễ dàng gì và nếu có thì người mua cũng rất tranh thủ để ép giá thành rẻ bèo, bởi biết bao giờ học sinh mới đi học trở lại. Để thu hút người mua, tôi còn sẵn sàng để lại toàn bộ nội thất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học miễn phí nếu như ai đồng ý, chịu xuống tiền mua ngay nhưng cũng chưa thấy ai mặn mà”, chị An cho hay.
Trường mầm non trong tình trạng sang nhượng gấp |
Sau hơn 6 tháng ròng không có nguồn thu nhập, cạn kiệt nguồn vốn đầu tư, hàng loạt trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội gần đây liên tục phải rao bán, sang nhượng gấp. Các fanpage sang nhượng trường mầm non trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết nhưng chỉ thấy người bán mà không thấy có mấy người mua.
Thực tế thì không chỉ ở Hà Nội mà cả TP.HCM, tình trạng rao bán trường mầm non diễn ra rất nhiều. Không khó để tìm kiếm trên mạng xã hội những bài viết sang nhượng trường hay bán thiết bị, đồ chơi cho học sinh mầm non với giá rẻ bèo.
Kết quả khảo sát cho thấy 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ để có chính sách đặc thù để hỗ trợ cho giáo viên mầm non nói chung, giáo viên mầm non các trường ngoài công lập nói riêng để tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở mầm non tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chủ trường mầm non tư thục 'mất trắng' miếng đất tiền tỉ sau nửa năm cơ sở đóng cửa
Nhiều trường mầm non tư thục tại Hà Nội đang rất khó khăn, đứng trước nguy cơ đóng cửa sau nửa năm tạm ngừng hoạt động vì đại dịch.
Hoàng Thanh