Tuyên truyền nhiều nhưng giao thông Hà Nội vẫn kiểu 'mạnh ai nấy đi'
Nguyên nhân ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm thì có nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân do cơ sở hạ tầng giao thông còn bất cập, phương tiện giao thông tăng nhanh…
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề giao thông ở Hà Nội, một lãnh đạo Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội cho biết: Nguyên nhân ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm thì có nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân do cơ sở hạ tầng giao thông còn bất cập, phương tiện giao thông tăng nhanh, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn hạn chế.
Theo vị này, cần có những giải pháp để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông như:
Điều chỉnh lộ trình, tần suất hợp lý của các tuyến xe buýt, tránh các khu vực bắt buộc phải thu hẹp lòng đường để tổ chức thi công hoặc ngập úng cục bộ nhưng vẫn bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực, đặc biệt là học sinh, sinh viên người lao động.
Phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến thông tin để nhằn nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.Đồng thời cũng phải cập nhật kịp thời về tình hình giao thông, các phương án di chuyển tránh khu vực ùn tắc giao thông đến đông đảo người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại di động và mạng xã hội.
Tổ chức giao thông hợp lý với các giải pháp tối ưu hóa đèn tín hiệu; phân làn, phân luồng phù hợp với co cấu phương tiện giao thông trên đường (chú trọng đến tỷ lệ ô tô, xe máy); giảm thiểu việc sử dụng lòng đường, vừa vỉa hè làm nơi đỗ xe cá nhân trong các khung giờ cao điểm, trên các tuyền đường có nhu cầu giao thông lớn; có phương án tổ chức giao thông chi tiết cho các khu vực có nguy cơ ùn tắc cao.
Ở Ngã tư Sở Hà Nội luôn ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. (Ảnh Anh Hùng) |
Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, điều tiết giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông; kết hợp chặt chẽ giữa xử lý vi phạm và tuyên truyền, giáo dục người tham gia giao thông.
Có nhiều ý kiến cho rằng, các quy định xử lý vi phạm giao thông ở Hà Nội có rất nhiều, mức phạt cũng rất nặng, thế nhưng tình hình vi phạm vẫn xảy ra nhan nhản, thậm chí vi phạm ngay trước mặt CSGT làm nhiệm vụ nhưng không bị xử lý?
Chia sẻ với PV Infonet về nội dung này, lãnh đạo Phòng CSGT phân tích: "Các quy định xử lý vi phạm giao thông ở Hà Nội và trên cả nước đều xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mà trong đó các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông và tai nan giao thông đều tăng nặng mức xử phạt như: nồng độ cồn, vượt đèn đỏ…
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng đã phối hợp với các cơ quan báo chí truyền hình để tuyên truyền đến với người tham gia giao thông để nâng cao ý thức của người dân và cũng tuyên truyền những kế hoạch mà Phòng CSGT Thủ đô đang triển khai thực hiện về xử lý các lỗi vi phạm nhằm tạo ra sự răn đe nhắc nhở người dân khi tham gia giao thông.
Giải pháp nào để xử lý vi phạm tốt hơn, hiệu quả hơn, tránh tình trạng người tham gia giao thông “nhờn luật”, ngang nhiên vi phạm, bất chấp tình hình ùn tắc hay sự an toàn của người khác?… Vị này nêu quan điểm: "Phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến thông tin để nhằn nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời cũng phải cập nhật kịp thời về tình hình giao thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có phương án di chuyển phủ hợp trong giờ cao điểm.
Phòng CSGT - Công an thành phố Hà Nội tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, điều tiết giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông; kết hợp chặt chẽ giữa xử lý vi phạm và tuyên truyền, giáo dục người tham gia giao thông".
Kết quả, đã cung cấp trên 12 nghìn tin cho các cơ quan báo, đài; xây dựng 421 phóng sự và 827 bài viết tuyên truyền; tuyên truyền trực tiếp 442 buổi với trên 260 nghìn lượt người tham dự; trên 1,6 nghìn pa nô tuyên truyền về TTATGT;
Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm về TTATGT, đã tham mưu cho CATP 06 chuyên đề lớn chỉ đạo về công tác TTKS, đặc biệt là Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện và Kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Trong năm 2020, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố giảm sâu cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương(giảm 252 vụ = 21,8%, giảm 66 người chết = 14,6%, giảm 164 người bị thương = 21,6%). Quý I/2021 xảy ra 212 vụ làm 85 người chết, 133 người bị thương (so sánh với cùng kỳ: giảm 20 vụ = 8,6%, giảm 23 người chết = 21,3%, giảm 07 người bị thương = 5%; so sánh với liền kề: giảm 96 vụ = 31,2%, giảm 61 người chết = 41,8%, giảm 54 người bị thương = 28,9%).
Tiến Anh