Tuyên Hóa, Quảng Bình: Hơn 500 người đi xuất khẩu lao động trong năm 2017
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một trong những giải pháp hiệu quả để giúp người dân giảm nghèo bền vững, UBND huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác xuất khẩu lao động, tạo mọi điều kiện để các tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh có tư cách pháp nhân, uy tín tuyển chọn, cam kết đưa lao động đi xuất khẩu làm việc có thời hạn ở nước ngoài đạt hiệu quả, chất lượng.
Năm 2017, Phòng LĐTB&XH huyện phối hợp với đơn vị tuyển dụng đã tuyên truyền tư vấn cộng đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xuất khẩu lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho 20 xã, thị trấn với 1.415 người tham gia. Tổng số lao động đăng ký đi xuất khẩu: 518 người. Trong đó, số lao động đã xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đến đến hết năm là gần 500 người.
Việc thực hiện dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện. UBND huyện chỉ đạo các phòng ban, đoàn thể thường xuyên tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; ban hành kịp thời các văn bản để triển khai đối với lĩnh vực này, xây dựng chỉ tiêu kế hoạch công tác giải quyết việc làm và chỉ tiêu xuất khẩu lao động cụ thể cho từng địa phương.
Xuất khẩu lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài là hướng giải quyết việc làm nâng cao thu nhập có hiệu quả. (ảnh minh họa) |
Đồng thời, tiến hành thẩm định, tiếp nhận và giới thiệu các doanh nghiệp được Bộ Lao động – TBXH cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động có uy tín, có năng lực để mở rộng việc tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phối chặt chẽ với các hội, tổ chức, đoàn thể trong tỉnh triển khai tuyển lao động tham gia xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên công tác xuất khẩu lao động vẫn còn gặp không ít khó khăn; trong đó chất lượng nguồn lao động của huyện còn hạn chế, trình độ ngoại ngữ, tay nghề của người lao động còn thấp, một số chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ở nước ngoài. Một số người lao động không đủ điều kiện để vay vốn xuất khẩu lao động, nhiều gia đình ngại vay vốn do một số con em khi đi xuất khẩu không thực hiện đúng cam kết, không chấp hành kỷ luật lao động làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều người gây khó khăn cho việc tuyển lao động.
Song song với công tác xuất khẩu lao động có thời hạn đi làm việc ở nước ngoài, UBND huyện Tuyên Hóa còn tập trung chỉ đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Năm 2017, Phòng LĐTB&XH huyện phối hợp với Trung tâm dạy nghề và mở được 15 lớp với 473 học viên, trong đó: có 18 học viên người khuyết tật. Nghề Phi nông nghiệp có 4 lớp, với 103 học viên tham gia. Nghề nông nghiệp có 11 lớp, với 370 học viên tham gia khóa học.
Nhiều mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp được hình thành trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. |
Nhờ làm tốt công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động thời gian qua ở Tuyên Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu về việc làm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch tiếp tục thu hút được nhiều lao động tham gia, góp phần khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nhiều việc làm mới. Mặt khác, công tác giải quyết việc làm đã có sự chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành, nhất là các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, Tuyên Hóa cũng thường xuyên tăng cường, đôn đốc công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, nhằm kịp thời giới thiệu việc làm cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng như cung ứng lao động cho các địa phương lân cận. Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã giải quyết việc làm cho lao động trong độ tuổi 3.000 người.
Qua đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm Tuyên Hóa đã có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền các cấp; sự tham mưu tích cực của các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội.