Tướng NATO: Phương Tây không nên loại bỏ khả năng gửi vũ khí cho Ukraine
Hôm 7/2, Tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove, Tư lệnh hàng đầu của NATO đã trả lời giới báo chí tại cuộc họp thường niên mang tên Hội thảo An ninh Munich về việc Mỹ sẽ gửi vũ khí sát thương tới giúp quân chính phủ Ukraine hay không.
“Tôi cho rằng chúng tôi không nên loại bỏ khả năng can thiệp quân sự”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Breedlove.
Quyết định nên hay không nên gửi vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev đang chia rẽ liên minh Mỹ - EU. |
Theo ông Breedlove, khả năng Mỹ sẽ gửi vũ khí và thiết bị quân sự chứ không điều động binh sĩ tới Ukraine chiến đấu. “Chưa có cuộc thảo luận nào nhắc tới việc điều quân tới hỗ trợ bộ binh”, ông Breedlove nói.
“Chính phủ Ukraine đã trực tiếp đề nghị tất cả các thành viên của NATO và nhiều quốc gia khác hỗ trợ năng lực nhằm khắc phục những yếu kém của lực lượng pháo binh, hệ thống thông tin liên lạc và hiện tượng nhiễu sóng. Lời đề nghị của chính phủ Ukraine cũng đang được các nước tiến hành thảo luận”, Tướng Breedlove nhấn mạnh.
Ngoài ra, Tư lệnh hàng đầu của NATO còn cho rằng những lời đề xuất về việc chấm dứt giao tranh tại miền đông Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Còn theo tờ Russia Today, trước đó, Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg cho biết Lực lượng phản ứng nhanh của NATO tại châu Âu đã tăng số lượng binh sĩ lên 30.000 người, và phần lớn được điều động tới đóng quân tại các vị trí gần biên giới Nga.
Một số nguồn tin còn khẳng định NATO và Mỹ đã gửi vũ khí cho quân chính phủ Kiev tham gia chiến đấu tại miền đông Ukraine.
Theo đại sứ Nga tại NATO, ông Aleksandr Grushko, “nhiều bằng chứng cho thấy các loại vũ khí có nguồn gốc từ phương Tây đang được sử dụng tại Ukraine” đồng thời kêu gọi Tổ chức An ninh Hợp tác châu Âu (OSCE) điều tra thông tin này.
Các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ Kiev và phe ly khai đang phá hủy cuộc sống của người dân miền đông Ukraine. |
Moscow từng lên tiếng hối thúc Washington không gửi vũ khí tới Ukraine bao gồm các thiết bị quân sự được Mỹ rút về từ Afghanistan. Hôm 5/2, Nhà Trắng cũng thừa nhận rằng việc trang bị vũ khí cho Kiev có thể sẽ khiến tình trạng đổ máu gia tăng tại miền đông Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã không ít lần đề nghị phương Tây cung cấp vũ khí cho quân đội chính phủ. Còn trong chuyến thăm tới Kiev, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay Tổng thống Barack Obama sẽ đưa ra quyết định về khả năng viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine vào tuần tới.
Theo Ngoại trưởng Kerry, lựa chọn của Tổng thống Obama sẽ dựa trên những lời bình luận về tình hình tại Ukraine sau chuyến thăm của ông này cũng như những đánh giá của Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Ukraine.
Các cuộc thảo luận liên quan tới khả năng viện trợ vũ khí cho Kiev đang trở thành đề tài chia rẽ liên minh Mỹ - EU. Trong khi Pháp, Đức, Anh cùng một số quốc gia khác tuyên bố loại bỏ khả năng viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, thì các nước Baltic và Ba Lan lại muốn chuyển khí tài cho chính quyền Kiev.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RT và Reuters.