Tướng Mỹ cảnh báo về khả năng chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc
Thực sự tồn tại khả năng bùng nổ chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ với Trung Quốc - đây là lời cảnh báo “đáng sợ” của người đứng đầu Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Proceedings của Học viện Hàng hải Mỹ, được báo Washington Times dẫn lại ngày 2/2, Tư lênh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, Đô đốc Charles Richard đã đưa ra những đánh giá chi tiết và thẳng thắn về khả năng xung đột vũ trang hạt nhân trong kỷ nguyên mới.
Ông Richard kêu gọi Chính phủ Mỹ và quan chức Lầu Nam Góc đưa ra những phương án hành động để đối phó với một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, bao gồm cả khả năng tiến hành chiến tranh hạt nhân.
Tư lênh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, Đô đốc Charles Richard. Nguồn: Sina. |
Ông Richard tuyên bố, Trung Quốc đã "bắt đầu tích cực thách thức các chuẩn mực quốc tế theo cách chưa từng có kể từ thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh".
Ông đã trích dẫn sự gia tăng các cuộc tấn công mạng và các mối đe dọa không gian, cũng như việc Trung Quốc đầu tư vào vũ khí tiên tiến như vũ khí hạt nhân để chứng minh cho tuyên bố của mình.
"Có một khả năng thực tế là, nếu Trung Quốc tin rằng các tổn thất phi hạt nhân (vũ khí) sẽ đe dọa chế độ hoặc an ninh quốc gia của họ, thì xung đột với họ có khả năng nhanh chóng leo thang thành xung đột hạt nhân", Richard viết.
"Do đó, Quân đội Mỹ phải thay đổi quan điểm của mình từ ‘không thể phóng vũ khí hạt nhân’ thành ‘phóng vũ khí hạt nhân là khả năng rất thực tế’, đồng thời thực hiện các hành động để ứng phó và ngăn chặn thực tế này", ông cảnh báo.
Richard tin rằng, nếu các quan chức Mỹ "mặc kệ" những hành động gần đây của Trung Quốc thì sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột quyền lực lớn. Ông cũng tin rằng, Trung Quốc đang tích cực hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, cùng với đó, Trung Quốc cũng đang trên đà trở thành đối tác chiến lược chính của Nga, gần như là một liên minh không chính thức.
Theo báo cáo, Richard cũng đưa ra một số bước cần thiết để cải thiện khả năng phòng thủ của Mỹ, bao gồm phát triển "năng lực đoàn kết thống nhất" trong việc ngăn chặn sự cạnh tranh của Trung Quốc; tăng cường mua sắm các hệ thống vũ khí để duy trì ưu thế chiến lược của Mỹ trước các đối thủ cạnh tranh.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Richard chỉ ra mối đe dọa hạt nhân từ Trung Quốc. Tháng 09/2020, ông đã cảnh báo rằng, trong những năm gần đây, sức mạnh quân sự của Trung Quốc không ngừng được nâng cao, trong đó kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh đã gia tăng một cách “chóng mặt” và đã đạt được khả năng đe dọa trực tiếp đến Mỹ.
Được biết, để cân bằng và đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, ngay từ năm 1953, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai nghiên cứu về động lực hạt nhân.
Trong thời kỳ đầu, Liên Xô không ngừng cung cấp tài liệu về hạt nhân cho Trung Quốc, với sự viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng được lò phản ứng đầu tiên cùng các thiết bị liên quan.
Tuy nhiên, sau đó do quan hệ giữa Trung Quốc với Liên Xô dần trở nên lạnh nhạt, tháng 6/1959, Liên Xô bắt đầu đình chỉ kế hoạch viện trợ Trung Quốc nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân.
Đến năm 1960 thì Liên Xô bắt đầu rút chuyên gia, kỹ thuật viên hạt nhân khỏi Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc quay sang nghiên cứu phát triển kỹ thuật chế tạo bom nguyên tử loại đơn giản bằng cách làm giàu Urani (Enriched Uranium). Điều đó có nghĩa là rất khó khăn trong việc xử lý chất thải hạt nhân và chất phóng xạ sau vụ nổ.
Ngày 16/10/1964, Trung Quốc cho nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên tại bãi thử Lop Nur có uy lực khoảng 22 kiloton (KT) TNT. 2 năm sau đó, Trung Quốc căn cứ theo mẫu của Liên Xô phát triển được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên.
Mặc dù năm 1992, Trung Quốc đã ký “Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân” và trở thành quốc gia thừa nhận có vũ khí hạt nhân, nhưng mãi đến năm 1996, sau khi đặt bút ký “Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân” Trung Quốc mới chấm dứt các vụ thử hạt nhân. Trong khoảng thời gian trước khi chấm dứt, Trung Quốc đã tiến hành tới 45 vụ thử hạt nhân.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Thụy Điển (SIPRI) năm 2015 thì Trung Quốc đã sở hữu 260 đầu đạn hạt nhân, tuy nhiên đây chỉ là con số được Trung Quốc công khai.
Trong buổi nói chuyện với giới chức quốc phòng và nhà báo Mỹ tại Washington vào tháng 12/2012, tướng Viktor Esin, cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược Quân đội Nga (hiện là Giáo sư Học viện Quân sự Nga) nói rằng, Trung Quốc có thể có đến 850 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng phóng trong khi số còn lại được giấu trong các kho ngầm.
Tháng 12/2020, ông Marshall Billingslea, đặc phái viên chính về kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, từ những bằng chứng thu thập được cho thấy Trung Quốc đang bắt đầu một kế hoạch bí mật về xây dựng cơ sở hạ tầng. Do đó có thể khẳng định Trung Quốc đang tham vọng sánh bước cùng Mỹ và Nga trong lĩnh vực quân sự và hạt nhân.
Các tên lửa mới như tên lửa siêu thanh DF-17, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, DF-31 và DF-41 ICBM, cùng với tên lửa phóng từ tàu ngầm JL-2 đã có thể đe dọa đến Mỹ, trong đó DF-41 có thể đến bờ biển của Mỹ trong 30 phút.
Rò rỉ hình ảnh đầu tiên về tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc
Theo kết quả cập nhật của Google Earth, hình ảnh vệ tinh về nhà máy đóng tàu Bột Hải của Trung Quốc xuất hiện một tàu ngầm hạt nhân mới chưa xác định.
Đức Trí (lược dịch)