Tưởng đi sang Anh để "đổi đời", ai ngờ phải làm nghề "trồng cỏ"
Mạo hiểm cả tính mạng để hy vọng "đổi đời"
Xã Trung Trạch từ lâu đã nổi tiếng ở Quảng Bình vì có nhiều con em đi XKLĐ ở nước ngoài cho thu nhập cao. Nhiều người gọi vui rằng đây là xã "tỉ phú" của tỉnh. (Ảnh: Thanh Hà) |
Những ngày qua, thông tin về 39 người chết trên đường nhập cư bất hợp pháp vào Anh khiến nhiều gia đình ở Hà Tĩnh và Nghệ An hoang mang, lo lắng. Họ lo lắng vì có nhiều gia đình có con, em đang làm ăn ở châu Âu nhưng bị mất liên lạc nhiều ngày qua.
Đúng lúc này, chị Nguyễn Liên (sinh năm 1975, quê Hưng Yên, hiện định cư tại tỉnh Kent, nước Anh) về thăm quê chồng ở xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). PV Infonet đã gặp và được nghe chị Liên chia sẻ những hành trình đến nước Anh của chị.
Chị Liên cho biết, để đến được với nước Anh thì phải bằng trí tuệ, chứ không phải bằng sự kém hiểu biết. Bởi nước Anh cũng như các nước châu Âu khác có hệ thống luật pháp và văn hóa khác, hệ thống ngôn ngữ khác, nên phải nói tiếng Anh giỏi mới hy vọng sang Anh và tồn tại ở đất nước này.
“Tôi sang Anh làm việc và sinh sống từ năm 1999, theo đường du học và ở lại làm việc trong một nhà hàng. Nhưng công việc không phù hợp, nên tôi cũng như nhiều người dân Việt Nam sang đây là làm trong các tiệm Nails. Được 10 năm thì tôi quen chồng tôi. Tôi cũng không biết anh ấy đi bằng đường nào mà đến được bên này. Để lấy anh - người cư trú bất hợp pháp, tôi phải chứng minh mình có thu nhập 28 ngàn bảng/năm mới có thể cưu mang được người khác” - chị Liên bắt đầu câu chuyện.
Theo chị Liên, chồng chị cũng như nhiều người Việt Nam khác đến với nước Anh bằng con đường không hiểu biết, trong đó mạo hiểm cả tính mạng của mình. Nhiều người ở Việt Nam khi ngh nói ở Anh có việc làm tốt, có thu nhập cao nên đã cố gắng cho con, em đi bằng mọi giá để hy vọng "đổi đời".
“Ở Anh hay ở châu Âu hoặc nơi nào cũng đều có những người lao động Việt Nam làm việc có thu nhập cao, kể cả làm Nails. Bởi số người thu nhập cao đó rất ít. Họ có tay nghề tốt, giao tiếp với khách hàng giỏi, họ làm cật lực nhiều giờ nên thu nhập tốt là đương nhiên. Nên những người đó trở thành những tấm gương để cho những kẻ môi giới đưa lao động bất hợp pháp quảng bá, thu hút người dân đi theo đường dây của họ. Đường dây môi giới bao giờ cũng vẽ ra viễn cảnh đẹp đẽ để người dân tin, từ đó làm theo hướng dẫn của họ, trong đó có con đường sang nước Anh”.
Nộp mình cho cảnh sát để... về quê!
Trồng cần sa là nghề nhiều lao động Việt lựa chọn tại Anh. |
Sang được Anh quốc, những người nhập cư trái phép phải trốn chui lủi, làm những công việc âm thầm trong nhà mà rất ít khi được ra ngoài. Được một thời gian, nhiều lao động không chịu được sự tù túng, nên đã nghĩ cách “nộp mình” cho cảnh sát, hy vọng lách luật để được ở lại.
Anh Nguyễn B. (ở Ba Đồn, Quảng Bình) – một người từng sang Anh và bị trục xuất về nước chia sẻ những khổ cực khi sống và làm việc ở Anh. “Tôi cùng mấy anh em chỉ trồng “cỏ” (cần sa-PV) trong nhà. Quanh đi quẩn lại trong nhà, không dám ra ngoài vì sẽ đụng ngay cảnh sát. Thực phẩm thì họ đưa đến theo tuần cho mình tự chế biến. Ngồi trong nhà chỉ có mỗi lên mạng để đỡ buồn. Còn đêm về, khi có lịch mới dám đến các quán Bar và Pub (ngôi nhà cộng đồng) để xả stress”.
“Ở Anh họ dùng tiền mặt rất hạn chế, nên những đồng tiền mình kiếm được đến từ các nghề bất chính, bởi vậy cầm tiền mua gì cũng phải nhớ là không được mua nhiều để tránh nghi ngờ” – anh B. nhớ lại.
Sống chui lủi được một thời gian, thấy có cô gái ở Hải Phòng sang đã “nộp mình” cho cảnh sát và không xác định được quốc tịch nên được đưa vào diện tị nạn và không bị trục xuất, nên anh B. cũng học theo.
“Sống bên đó, không có giấy tờ tùy thân gì cả. Tên cũng giả nên không ai biết mình đến từ đâu. Suy nghĩ kỹ rồi, tôi đi đến một đồn cảnh sát xa chỗ mình trú để khai báo “bị bọn buôn người bắt đến đây để trồng cần sa”. Cảnh sát thẩm vấn thì mình ú ớ và cái gì cũng không biết. Nhưng được 3 tháng, lời khai ban đầu với lúc sau không khớp nhau, nên họ điều tra ra và trục xuất về Việt Nam”.
Chi phí để đi sang Anh của anh Nguyễn B. hết 1,1 tỷ đồng, nhưng đi bằng cách nào thì anh lại không tiết lộ. Anh cho rằng con đường sang Anh ngày càng nhiều rủi ro hơn, khi sang được rồi thì tồn tại bên đó không hề đơn giản.
“Nước Anh trong thời gian này đang tách ra khỏi Liên minh châu Âu, nên việc đi lại giữa Anh và các nước châu Âu đã thắt chặt hơn trước rất nhiều. Từ đó, các phương tiện qua lại giữa Anh và châu Âu (qua Pháp) thì thời gian, thủ tục cũng chặt chẽ và lâu hơn, nên trốn trong các thùng xe container, kiện hàng xe tải… đều bị kiểm tra chặt chẽ”.