Từ vụ N17 thoát cách ly: Đi từ Anh sang Ý có đóng dấu hộ chiếu không?
Trường hợp của một công dân Việt Nam đi sang Anh và Châu Âu theo dạng thị thực du lịch, khi người này nhập cảnh vào Anh sẽ có dấu nhập cảnh trên hộ chiếu.
Đến khi sang khối Schengen, thì trên hộ chiếu sẽ đóng dấu nhập cảnh tại nước đầu tiên. Nếu người này rời khối Schengen để trở về Anh thì trên hộ chiếu cũng sẽ đóng dấu rời khỏi khối Shengen và có dấu nhập cảnh về Anh.
Trên dấu sẽ ghi rõ mã số, ngày tháng và cảng nhập cảnh.
Một hộ chiếu của người Việt thể hiện rõ thời gian nhập cảnh vào Anh ngày 24/8/2019, dấu đóng trực tiếp lên tem thị thực. Sau đó khách đi Đan Mạch và ngày 31/8/2019, nhập cảnh quay trở lại Anh tại cửa khẩu (sân bay) Luton. Tất cả hành trình từ Anh đi các nước châu Âu đều có dấu đóng trên hộ chiếu |
Đi từ Anh sáng Ý và ngược lại, ai có dấu trên hộ chiếu, ai không?
Nếu là một công dân Việt Nam đi theo dạng thị thực du lịch, kể cả trước thời điểm diễn ra Brexit, dù Anh là nước nằm trong khối liên minh châu Âu nhưng luôn đòi hỏi phải có thị thực độc lập với khối Schengen.
Vì vậy, công dân không thuộc khối liên minh châu Âu đi lại giữa Anh và các nước trong khối Schengen luôn phải có thị thực riêng và sẽ có đóng dấu xuất - nhập cảnh.
Tức là, khi xuất cảnh tại Anh, và nhập cảnh tại Ý, công dân vẫn phải được kiểm tra thị thực và đóng dấu xuất nhập cảnh vào hộ chiếu.
Trường hợp người đi là một công dân Anh (người có hộ chiếu Anh) đi du lịch vào khối Schengen thì sẽ không cần phải xin thị thực và khi đi qua cửa xuất nhập cảnh, nhân viên sẽ chỉ quét hộ chiếu để kiểm tra trên dữ liệu rồi cho qua mà không cần phải đóng dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu.
Lưu ý là để là một công dân Anh không hề đơn giản và mất thời gian ít nhất là hơn 6 năm. Công dân đó cần phải có 5 năm sinh sống và làm việc tại Anh (tính bằng thời gian sống làm việc, không tính cho người du học), hoàn tất các nghĩa vụ đóng thuế như một người đi làm toàn thời gian. Sau khi có được thường trú sẽ mất 12 tháng (1 năm) ở liên tục tại Anh với thời gian vắng mặt không được phép quá 90 ngày, mới đủ điều kiện làm đơn xin nhập quốc tịch.
Thời gian xét duyệt quốc tịch là không cố định có thể từ 1 tháng đến một năm tùy thuộc vào từng hồ sơ. Tổng cộng thời gian sẽ mất tầm 7 năm sinh sống, làm việc và đóng thuế để có thể trở thành công dân Anh. Thời gian là học sinh, sinh viên sẽ không được tính gộp vào số năm yêu cầu.
Như vậy, soi chiếu với các quy định thực tế, trường hợp bệnh nhân Covid-19 N.H.N (N17) ở Trúc Bạch có 2 trường hợp xảy ra, hoặc là bệnh nhân này đã có quốc tịch Anh thì hộ chiếu mới không có dấu nhập cảnh vào Ý, và các nhân viên y tế, an ninh sân bay không thể kiểm tra được hành trình đầy đủ của cô này trên hộ chiếu, mà chỉ dựa trên khái báo y tế tự nguyện của N17.
Trường hợp N17 chưa có quốc tịch Anh thì hộ chiếu sẽ phải có dấu xuất nhập cảnh. Nếu hộ chiếu có dấu thì việc phát hiện được cô này đã đi Ý trước đó quá dễ dàng với cán bộ kiểm soát y tế, an ninh khi N17 nhập cảnh về Việt Nam.